Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai sau Chúa nhật 13 thường niên

Mt 8,18-22

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Trong giây phút linh thiêng được kết hợp với Chúa, chúng con xin được tạ ơn và ngợi khen tình thương quan phòng mà Chúa đã dành cho chúng con. Chúa đã cho chúng con luôn được lớn lên trong sự che chở của Chúa. Chúa nuôi dưỡng chúng con bằng ân sủng của Chúa. Chúng con thật an tâm sống trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng con hãy trao phó cuộc đời cho Chúa. Bầy cáo có hang để trú ẩn khi gặp hiểm nguy. Chim trời cần tổ để nghỉ ngơi sau những chặng đường dài mệt mỏi, rã cánh. Nhưng là môn đệ thì phải sống thanh thoát khỏi những tiện nghi vật chất. Ngưởi môn đệ còn phải thắng vượt những quyến luyến tình cảm để sống trọn vẹn cho Chúa. Chính Chúa sẽ định liệu những gì cần cho chúng con. Chính Chúa sẽ làm những điều tốt lành nhất cho chúng con, vì chưng chính Chúa đã nói: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa còn những sự khác Người sẽ ban cho sau”.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con xin tín thác toàn thân con cho Chúa. Xin Chúa hãy ở lại với chúng con để nâng đỡ và hướng dẫn chúng con đi trong hồng ân của Chúa. Amen

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Tâm sự với Chúa mỗi ngày tuần 10 TN

Thứ hai sau Chúa nhật 10 thường niên
Mt 5,1-12
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con xin thờ lạy và ngợi khen Chúa. Chúng con thật cảm động vô cùng, vì Chúa là một vì Thiên Chúa cao sang quyền thế, lại tự nguyện đến ở với loài người chúng con. Chúa còn tự chọn cho mình một cuộc sống nghèo hơn chúng con. Sinh ra trong cảnh đơn nghèo thiếu thốn mọi bề, và rồi Chúa còn dành cả cuộc đời cho người nghèo và vì người nghèo.

Thánh Thể Là Trung Tâm Đời Sống Kitô Hữu

Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng nói rằng: Tôi mơ ước Tòa Thánh, cùng với tất cả các cơ quan của mình, như một bánh thánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo hội như một nhà Tiệc ly rộng lớn...

Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần tôi được dịp giang tay đóng đanh chính mình vào Thập giá với Chúa Giêsu, cùng cạn chén đắng với Ngài...

“ Con muốn hỏi: Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả? Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá”

Dù thiếu tất cả, dù mất tất cả, nhưng còn Thánh Thể là còn tất cả vì con có Chúa Thiên Đàng dưới đất... (Trích Bài Thuyết Trình tại Đại Hội Thánh Thể thế giới, MEXICO 2004).

Phép Thánh Thể là trung tâm đời sống phụng vụ chung của Giáo Hội, trong đời sống toàn thể Giáo Hội và trong đời sống mỗi tín hữu Chúa Kitô.

Nhiệm Tích Thánh Thể có vị thế nào trong một ngày của bạn? trong một tuần bảy ngày của bạn? Mỗi người chúng ta đều có thể đặt cho mình câu hỏi này.

Nếu tôi tham dự Thánh Lễ hằng ngày, tôi có thành tâm cố gắng tham dự không?

Tôi có coi Thánh Lễ là thời khắc tối thượng trong ngày của tôi không? Để thờ phượng Thiên Chúa, để tôn vinh sự cao cả của Ngài, để dâng lên Ngài lời chúc tụng và tạ ơn; xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi của tôi và của người khác không?

Tôi có coi Hy Lễ Thánh Thể là cơ hội vô cùng cao quí để hiến dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha, và học dâng hiến bản thân tôi nhờ Chúa Kitô không?

Thánh Lễ hằng ngày có được tôi coi là một biến cố sung mãn của phụng vụ mà trong đó tôi dâng lên Thiên Chúa toàn thể ngày giờ của tôi, với những vui buồn, những dự liệu, những thành công và thất vọng không?

Tôi có mong gặp Chúa Giêsu khi Hiệp Lễ không? Ngài đã mời chúng ta đến với Ngài: “Anh chị em hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh chị em, vì rời khỏi Thầy anh chị em không làm được gì cả.” Hiển nhiên Ngài muốn ở với chúng ta: “Nếu anh chị em không ăn thịt Con Người và uống máu Con Người thì anh chị em không có sự sống nơi mình.” Và Ngài bảo đảm với chúng ta: “Bất cứ người nào ăn thịt của Thầy và uống máu của Thầy thì người ấy sống trong Thầy và Thầy sống trong người ấy.” Được rước Chúa Giêsu mọi ngày suốt cuộc hành trình trần thế của chúng ta không phải là điều tuyệt vời lạ lùng sao?...

Thay vì than khóc những khó khăn của chúng ta thì chính trong Thánh Lễ là lúc chúng ta dâng những khó khăn đó lên Thiên Chúa. Chúng ta dâng lên Ngài những đau đớn và nhức nhối, những bệnh tật của mình. Chúng ta càng lớn tuổi thì những đau đớn càng nhiều. Nếu không phải là đầu gối thì vai, nếu không phải vai thì cổ, và nếu không phải cổ thì lưng. Chúng ta nhìn nhận rằng ở tuổi bảy mươi thì chúng ta không còn tráng kiện như khi chúng ta hai mươi lăm tuổi, chúng ta càng sớm nhận ra điều này càng tốt.

Chúng ta đến với Thánh Lễ và nhờ Chúa Giêsu chúng ta dâng thực tại đó lên Thiên Chúa. Cả tuổi tác, cả những khó khăn trong gia đình, những hoàn cảnh đau khổ do hành động của người khác gây ra, những đau đầu vì chính trị, vì thiếu an ninh và vắng bóng hòa bình.

Chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa những điều chúng ta hoạch định và hy vọng, học hỏi nghiên cứu và dự phóng tương lai, những lo lắng, những công việc nghề nghiệp, những hoạt động cho cộng đồng Giáo Hội, cả những ước mơ cải đổi thế giới này nên tốt hơn cho tất cả mọi người.

Thánh Lễ cũng là thời gian vui mừng, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những niềm vui hân hoan, sức khỏe, gia đình thuận hòa, thành công về học hỏi nghiên cứu hoặc nghề nghiệp, đời sống gia đình hạnh phúc, bạn bè thân thuộc, và những niềm vui âm thầm khi thấy kế hoạch của chúng ta thành công, khi nhìn những nụ cười tươi trên mặt con cái và cháu chắt chúng ta.

Chúng ta dâng hết tất cả mọi điều đó lên Thiên Chúa. Cùng với bánh và rượu mà chúng ta tiến dâng trong phần Dâng Lễ, chúng ta dâng lên Thiên Chúa toàn thể bản thân chúng ta. Nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, chúng ta nài xin Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên của lễ đáng được chấp nhận trước mắt Ngài...

Một ngày rồi phải đến lúc tàn. Cho dù ngày đó bắt đầu với ánh bình minh rực rỡ, cũng phải tới lúc hoàng hôn. Cuộc đời chúng ta cũng vậy. Ước chi chúng ta sống tới 200 tuổi, dầu chúng ta đều biết chẳng ai muốn trường thọ như thế. Sẽ đến lúc bóng chiều cuộc đời thấp thoáng ngoài cửa. Những dấu chỉ bắt đầu tăng thêm cho thấy lúc chấm dứt cuộc sống trần thế của chúng ta không còn xa. Sức khỏe suy giảm dần. Xương cốt bắt đầu đau. Cử động mỗi ngày mỗi chậm chạp. Chúng ta cũng bắt đầu quên lãng. Một thứ bệnh tật nào đó phát hiện. Khi bệnh này khỏi thì lại nảy ra bệnh khác. Tóm lại, buổi chiều, hoàng hôn, chập choạng tối, mặt trời lặn của cuộc lữ thứ trần gian của chúng ta bắt đầu lộ diện. Suốt cuộc đời, bắt đầu từ thuở niên thiếu và trong lúc tuổi già, Phép Thánh Thể phải là trung tâm đời sống Kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu ban cho chúng ta hy lễ và các nhiệm tích của Ngài. Giáo Hội rất quí trọng việc tông đồ của các linh mục tuyên úy bệnh viện, các ngài cử hành Thánh Lễ cho bệnh nhân tại bệnh viện hoặc tại gia cho các vị cao niên, và đem Mình Thánh Chúa đến cho họ. Công việc của các ngài rất quan trọng. Người bệnh hoặc cao niên tại gia cũng được an ủi qua việc rước Thánh Thể Chúa đến với họ. Những vị làm công việc tông đồ này hằng ngày thực hiện công việc hết sức cao quí. Người cận kề giờ chết rước Mình Thánh Chúa như Của Ăn Đàng để được Chúa tăng thêm sức và đồng hành trên đường về nơi vĩnh hằng, cuộc hành trình vô cùng quan trọng mà chúng ta đều phải đi. Thánh Ignatius of Antioch gọi Phép Thánh Thể là “linh dược của sự bất tử.”

Khi một Kitô hữu qua đời, điều tối quan trọng mà chúng ta có thể làm cho người đó là dâng hy tế Thánh Lễ. Việc đó quan trọng hơn, có giá trị hơn bông hoa và mộ bia, mặc dầu bông hoa và mộ bia đều không có gì sai trái. Nhưng Thánh Lễ thì quí giá vô cùng cho người quá cố. Thánh Lễ cũng là điểm chính yếu của việc cử hành tang lễ của một Kitô hữu. Và sau tang lễ, chúng ta tiếp tục dâng hy tế Thánh Thể cầu nguyện cho những thân yêu đã ly trần, để nếu các người đó còn ở nơi Luyện Ngục, thì họ sớm được hưởng ánh sáng và bình an của Chúa Kitô. Còn nếu họ đã tới thiên đàng rồi, thì Thiên Chúa ban ân phước của Thánh Lễ, chúng ta dâng để cầu cho các linh hồn đó, cho chính chúng ta hoặc cho những người khác. Vì thế chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những người thân yêu và xin dâng Thánh Lễ cho họ cho dù chúng ta nghĩ rằng những người đó đã sống tốt lành. (Trích Bài giảng của Đức Hồng Y Francis Arinze).

Nhiệm Tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Kitô hữu chúng ta. Câu hỏi là chúng ta có quí trọng và sống chân lý này cao độ hay không?

Ông Effie Cordeiro chia sẽ kinh nghiệm sống Thánh Lễ thật tuyệt vời.

Tôi, Effie Cordeiro, 46 tuổi. Gia đình tôi sống nơi vùng phụ cận thành phố ở Québec nước Canada. Mỗi ngày tôi đều đặn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Thánh Lễ trở thành nguồn ơn vô giá đối với tôi sau khi tôi được hồng phúc nghe bài giảng trong Thánh Lễ có các Em Bé rước lễ lần đầu. Thánh Lễ cử hành tại nhà thờ Thánh Luca. Vị chủ tế và giảng thuyết hôm ấy là Cha Roger Martineau. Cha đặc biệt nói với các Trẻ rước lễ lần đầu:

- Khi các con dùng bữa các con ăn thịt, rau, cá, trứng v.v. Các thức ăn sau đó trở thành máu nuôi sống các con. Cũng giống như thế, lúc các con ăn, hay nói đúng hơn, lúc các con nhận lãnh Đức Chúa GIÊSU khi các con chịu lễ, các con trở thành phần tử của Ngài. Điều này không thể minh chứng bằng khoa học, nhưng sự thật là như thế. Mỗi khi các con tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa với trọn lòng tin, các con được biến đổi trong Đức Chúa GIÊSU KITÔ cho tới một ngày, Đức Chúa GIÊSU thật sự tỏ lộ qua lối cư xử của các con, qua lời các con nói và qua chính cuộc sống của các con.

Lời giải thích của Cha Roger Martineau gây xúc động sâu xa nơi tâm lòng tôi. Tôi làm theo lời khuyên của ngài. Tôi tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Kể từ đó, cuộc đời tôi hoàn toàn biến đổi. Tôi thay đổi trong lối phản ứng trước các sự việc. Tôi thay đổi trong cách thức tiếp nhận và giao tế với người khác. Tôi cũng thay đổi trong lề lối giải quyết các vấn đề. Nói tóm lại, trước mỗi khi làm việc gì, nói lời nào, giao tế với ai và giải quyết vấn đề quan trọng nào, tôi đều cầu nguyện cùng Đức Chúa GIÊSU. Tôi xin Ngài soi sáng cho tôi biết phải hành xử như thế nào cho đúng tư cách là tín hữu Công Giáo. Và Đức Chúa GIÊSU luôn luôn đáp lời tôi cầu xin. Ngài đích thật là sức mạnh, là niềm vui và là gương mẫu cuộc sống của tôi. Đức Chúa GIÊSU là Bạn Chí Thân dấu ái nhất đời tôi.

Nhờ sống kinh nghiệm sâu xa trên đây tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi được may mắn là tín hữu Công Giáo. Tôi cũng được ưu đãi vì sống gần nhà thờ Công Giáo có Linh Mục dâng Thánh Lễ mỗi ngày. Nhờ thế tôi được diễm phúc xem lễ và rước lễ mỗi ngày.

Tôi còn được may mắn dành trọn thời giờ trong ngày để phụng sự THIÊN CHÚA với tư cách là thư ký của giáo xứ. Văn phòng giáo xứ chỉ cách nhà thờ vài chục thước. Trước khi bắt tay vào việc hoặc lúc rãnh rỗi tôi ghé vào nhà thờ, đến trước Nhà Tạm và thờ lạy Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể đang ẩn mình trong Nhà Tạm. Đối với những may mắn vừa kể, tôi cảm thấy đời tôi quả nhận lãnh nhiều hồng ân. THIÊN CHÚA cư xử thật nhân hậu đối với tôi. Suốt đời tôi mãi mãi tri ân Ngài.

Còn một hồng phúc khác tôi muốn viết ra nơi đây. Đó là sự kiện tham dự Thánh Lễ mỗi ngày nối kết tất cả các tín hữu Công Giáo lại với nhau. Chúng tôi chú ý tới những người tham dự thánh lễ thường xuyên và có thói quen ngồi chỗ nhất định. Vì thế khi chỗ ngồi vắng bóng, chúng tôi liền nhớ đến và cầu nguyện cho người vắng mặt. Xin THIÊN CHÚA chúc lành và gìn giữ họ cùng gia đình họ. Hoặc khi chúng tôi nhận thấy có người đến tham dự Thánh Lễ với nét mặt âu sầu phiền não, chúng tôi đoán họ có chuyện buồn. Chúng tôi kín đáo cầu nguyện cách riêng cho họ. Và khi hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hỏi thăm và san sẻ nỗi buồn của họ. Vâng, đúng thế. Bí tích Thánh Thể nối kết tất cả lại với nhau. Chúng tôi có cùng tâm tình vì chúng tôi cùng nhận lãnh Mình và Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Điểm sau cùng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân chân thành đối với THIÊN CHÚA là được hồng phúc sống trong đất nước tự do. Chúng tôi được hưởng quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi tự do đọc Kinh Thánh. Chúng tôi tự do đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Tôi cầu chúc cho mỗi tín hữu Công Giáo sống trong các nước tự do hãy sử dụng trọn vẹn quyền tự do tôn giáo của mình để sống đạo nghiêm chỉnh và chân thành. Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể chờ đợi mỗi tín hữu Công Giáo đến tham dự Thánh Lễ và rước Ngài hầu Ngài có thể tuôn đổ muôn vạn ơn lành hồng phúc xuống trên từng người.

Tôi không quên cầu nguyện cách riêng cho các tín hữu Công Giáo kém may mắn, sống trong các nước không được thực thi quyền tự do tôn giáo. Tôi xin THIÊN CHÚA cho họ mau chóng tới ngày hưởng mọi quyền tự do, dẫn đầu là tự do tôn giáo. Xin THIÊN CHÚA nhậm lời chúng con nài xin. Amen. (Sister Patricia Proctor, OSC, ”201 Inspirational Stories of The Eucharist”, Franciscan Monastery of Saint Clare, Spokane, Washington, 2004, trang 47-48).(Radio Vatican).

Bí Tích Thánh Thể là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Thánh Thể là trung tâm qui tụ Dân Chúa. Thánh Lễ có sức mạnh truyền giáo. Chúng ta đón nhận Thánh Thể để có sự sống thần linh của Chúa. Xác tín rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống người Công giáo, nên tôi tìm mọi dịp dâng lễ cho bà con giáo dân.

Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, bạn nên quỳ gối trước Thánh Thể, bạn sẽ học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU


Trong suốt tháng sáu-tháng Thánh Tâm, Giáo hội mời gọi mỗi người hướng lòng trí mình lên cùng Trái Tim dịu hiền của Chúa Giêsu, nguồn mạch mọi phúc lành của Thiên Chúa.

Nói đến trái tim là nói đến tình yêu, mà nói đến tình yêu là nói tới con người. Vì chỉ con người mới biết yêu thương. Nhưng tình yêu không tự nhiên mà có, nguồn cội của nó do bởi Đấng Tạo thành. Thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4, 7tt).

Gần đây, có người tìm được tấm ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, phần dưới trái tim Chúa đang chảy máu, người này xin Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn cho phép phổ biến tấm ảnh ấy. Đức Hồng y cho phép với điều kiện in thêm câu này trên ảnh: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.

Cuối tháng 3-2007, Đức Hồng Y đi thăm Nhật và biết được câu truyện các Thánh tử đạo Nhật. Truyện kể hai ông quan chịu trách nhiệm bắt giam những người Công Giáo cuối thế kỷ 16, khi tịch biên tài sản của họ, phát hiện trong đó có ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Một trong hai ông quan đặt tấm ảnh Thánh Tâm Chúa trên bàn làm việc và suy nghĩ suốt đêm: Tại sao người trong ảnh có trái tim ở ngoài ? Hôm sau ông có kết luận và viết: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” (Người có trái tim ở bên ngoài, bên trong lại không có tim: ám chỉ người chỉ lo và yêu thương người khác mà không lo cho chính mình). Đó chính là đặc tính của Thánh Tâm Chúa.

Chúng ta hãy tìm hiểu hai chữ “Thánh Tâm”.

Nghĩa chữ Thánh Tâm:

2.1. Thánh: chữ Hán có hai chữ là? và ?. Trong từ Thánh Tâm, thánh là chữ?. Chữ thánh (?) có nhiều nghĩa. Liên quan đến từ Thánh Tâm thì là những nghĩa sau: Thánh, chỉ những gì thuộc về Đức Chúa và các đấng thiêng liêng, ví dụ: Thánh giáo, Thánh ý. Thánh cũng có nghĩa mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn, vd.: Thánh đức.

2.2. Tâm: có hai chữ Hán là ?và?, ở đây là chữ?, chữ tâm?là chữ tượng hình, kiểu viết tiểu triện có hình trái tim:, còn kiểu viết khải thư ? thì ở trên có ba dấu tượng trưng ba cái cuống, ở dưới là túi chứa máu.

Chữ tâm (?) có rất nhiều nghĩa: (dt) (1) Trái tim, cơ quan tuần hoàn của con người và động vật có lưng, vd. tâm tạng; (2) Trái với vật, ý thức của con người; (3) Ý chí; (4) Lòng yên tĩnh, vd. tâm bình khí hoà; (5) Căn nguyên của đạo; (6) Chính giữa, vd. viên tâm; trọng tâm; (7) Một trong hai mươi tám tinh tú; (8) Danh từ Phật giáo, trái với sắc, Phật giáo coi những vật thể có hình dáng mà con người cảm giác được, gọi là sắc, những gì thuộc lĩnh vực tinh thần, gọi là tâm; (9) Tư tưởng, bộ não, người xưa ngộ nhận tâm là cơ quan tư duy, nên cơ quan tư tưởng, các tình trạng tư tưởng và tình cảm đều gọi là tâm, vd. tâm cảnh, tâm địa; (10) Phần giữa của thực vật, vd. hoa tâm; (11) Bản tính; (12) Lương tâm, vd. tâm tính; (13) Cái gai; (14) Hình trái tim(?), tượng trưng cho tình yêu. (đt) (15) Tính toán trong lòng, vd. tâm tính; (16) Quyết đấu trong lòng, vd. tâm chiến.

2.3. Thánh Tâm (??) còn gọi là "Rất Thánh Trái Tim" nghĩa là trái tim thuộc về Đức Chúa (hoặc Đấng thiêng liêng).

Nơi nhiều dân tộc, tâm (hay trái tim) vừa để chỉ trái tim bằng thịt nhưng cũng nói lên một điều gì gồm tóm cả con người, cho dù chỉ dưới một khía cạnh nào đó (cũng như những danh từ khác, chẳng hạn: đầu, bụng, lòng dạ, tay mặt...). Chẳng hạn, với người Á đông, trái tim diển tả tình cảm và tư tưởng của con người, mà tình cảm của con người có thất tình lục dục. Thất tình (bảy thứ tình cảm) của con người theo Nho giáo là: hỷ (vui), nộ (giận), ai (buồn sầu), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (ước muốn); theo Phật giáo là: hỷ, nộ, ưu (lo nghĩ), cụ, ái, tăng (ghét), dục. Thất tình của Nho giáo và Phật giáo tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều có ái. Ái là tình yêu thương. Trái tim có nghĩa là trung tâm thật sự và sâu kín nhất của con người (nội tâm), nó gồm tóm cá tính cụ thể của con người hướng dẫn mọi hành động ý thức hay vô thức của con người, là yếu tính đồng nhất cách tự nhiên và tượng trưng cho mọi tập quán khác nhau của con người, nhờ đó chúng có một ý nghĩa tối hậu.

Như thế trái tim tượng trưng cho toàn thể con người như là nguồn mạch tạo nên cuộc sống của mình. Lời kêu xin: "Hỡi con, hãy cho Cha trái tim của con" (Cn 23,26) có nghĩa là: "Hãy cho Cha cả con người của con".

Vậy, khi nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu là chúng ta luôn luôn hiểu ngầm cả con người Chúa Kitô. Hơn nữa, chúng ta cốt yếu để ý đến chính con người, vì trái tim có nghĩa là phương tiện hoặc là trung tâm điểm của con người. Đây là lý do tại sao Hội Thánh không muốn trưng bày công khai trái tim như thể của Chúa Kitô bằng ảnh tượng mà không có cả con người Chúa Kitô (Trong việc thờ kính riêng tư có thể được phép trưng bày như thế nếu không bất tiện).

Trái tim không nhất thiết là tình yêu, vì trong trường hợp người gian ác, thâm tâm họ đâu có thể là tình thương. Nhưng nếu một người đầy tình yêu đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa thì thâm tâm người ấy được gọi rất đúng là tình yêu như trong trường hợp về Chúa Giêsu.

Trái tim bằng thịt không phải là hình ảnh (image) nhưng là tượng trưng (symbol) của "trái tim" theo nghĩa vừa nói ở trên. Không phải là hình ảnh, vì "trái tim" là thâm tâm của con người, nó bao hàm tất cả tính tình của con người, nhất là thuộc lãnh vực tâm linh và vì thế không thể trình bày cách đúng đắn bằng hình ảnh được. Đó là biểu tượng tự nhiên (không phải theo ý riêng hay tập quán), vì tất cả tính tình của con người có ảnh hưởng một cách nào đó đều được cảm thấy và được sống nơi trái tim vật lý của con người. Vì trái tim bằng thịt chỉ là tượng trưng, chứ không phải là hình ảnh, nên không cần phải trình bày thật đúng vật lý một cách tỉ mỉ, nhưng ta có thể thêm bớt (chẳng hạn thêm mão gai có thánh giá ở trên, có lửa bừng cháy...), và cũng có thể đặt nó ngay giữa lồng ngực.



Việc tôn thờ Thánh Tâm

Khi tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa, Hội Thánh tôn thờ cả thiên tính lẫn nhân tính của Người, và mọi phần thân thể của Chúa Kitô cũng đáng phượng thờ như nhân tính Người vậy. Tuy nhiên, trong thực hành, Hội Thánh chỉ cho phép tôn thờ cách minh định một phần chi thể nào nếu nó có vẻ cao đẹp đặc biệt hay có lý do đặc biệt để tôn kính cách minh định. Vì thế, Hội Thánh tôn thờ cách minh định Bửu Huyết Chúa Kitô, Thánh Tâm Chúa Giêsu; nhưng kết án một ít việc tôn thờ (thí dụ: tôn thờ linh hồn, hai cánh tay, đầu Chúa Kitô) hoặc chỉ làm thinh cho tôn thờ thôi (chẳng hạn đối với Thánh Nhan Chúa Kitô)...Việc tôn thờ Thánh Tâm là nòng cốt của Công giáo như các ĐGH Piô XI và Piô XII đã nói: "Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu là điểm cốt yếu của đạo chúng ta " (summa religionis nostrae). Thực vậy, trong việc tôn thờ này đức tin Kitô giáo vẫn nguyên tuyền vì nó đưa con người tới Chúa Ba Ngôi nhờ sự hợp nhất với Chúa Kitô, Đấng Trung Gian.Việc tôn thờ này có thể nhằm tình yêu cứu chuộc như đối tượng chính, nhưng nó không loại bỏ tình yêu mà Chúa Kitô vinh hiển đã tỏ ra và còn tỏ ra mãi mãi, vì tình yêu này là phần bổ túc thiết yếu của tình yêu cứu chuộc. Đồng thời chúng ta cũng phải để ý: tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô và với Thiên Chúa phải cốt yếu là tình yêu bị đóng đinh của Chúa Kitô được biểu tượng bằng trái tim Người thì thật hợp lý. Tình yêu bị đóng đinh ấy trước hết được kích động nơi cá nhân nhưng nó không có tính cách "cá nhân chủ nghĩa", vì tình yêu được kích động trong việc tôn thờ này cũng có tính cách tông đồ (được sai đi) như tình yêu của Chúa Kitô, Đấng mà việc tôn thờ Thánh Tâm hướng đến. Hơn nữa, việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu kêu mời chúng ta bắt chước Người.

Việc hoàn toàn tận hiến cho trái tim Chúa Giêsu có hiệu lực mạnh nhất để thúc đẩy ta yêu mến Chúa Kitô. Vì thế, thánh nữ Magarita và chân phúc Claudio đã tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. ĐGH Lêo XIII đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa và hàng năm việc hiến dâng đó được lặp lại vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua. Hiến dâng cho Thánh Tâm Chúa vì trong Thánh Tâm Chúa chúng ta tìm được tình yêu thúc đẩy chúng ta yêu mến Chúa và tận hiến hoàn toàn cho tha nhân.

Nên dùng từ Thánh Tâm để diễn tả tình yêu của Chúa là rất hay, và câu nói của ông quan người Nhật cũng rất đúng:

“Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.

Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, một hình ảnh đầy thương tâm nhưng cũng rất ý nghĩa thể hiện trọn vẹn tình yêu Của Chúa Giêsu khi người lính lấy giáo đâm vào trái tim Chúa: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì Máu cùng nước chảy ra”( Ga 19, 34). Máu và Nước chảy ra, nguồn mạch tình yêu cũng bắt đầu được khai sinh. Giáo Lý Hội Thánh số 478 dạy: “Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giê-su biết và yêu mến mọi người và từng người chúng ta. Người đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta. "Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20). Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giê-su, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta (x. Ga l9,34), "được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai" (. Pi-ô XII, Thông điệp "Haurietis aquas": DS. 3924; x.DS.38l2).

Nguyện chúc m?i tín hữu, khi chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu và suy niệm về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, được tràn đầy ân sủng của Người, hầu trở nên khí cụ tình yêu của Chúa.

( Viết dựa vào các tài liệu trên Internet)
Lm Giacôbê Tạ Chúc

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai sau Chúa nhật 9 TN

Mc 12,1-12

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Vì yêu thương chúng con, Chúa đã trao ban cho chúng con sự sống thần linh qua tấm bánh Thánh Thể. Xin giúp chúng con biết dựa vào sức sống thần linh của Chúa để thắng vượt những cám dỗ của thế gian. Xin giúp chúng con cũng biết sống trao ban như Chúa đã trao ban sự sống của mình cho chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con rằng: “cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá tham lam nên thường ích kỷ và so đo tính toán. Chúng con chỉ lo cho mình. Chúng con chỉ vun quén cho bản thân mình. Chúng con sợ cho đi, ngại chia sẻ. Chúng con nhận lãnh nhưng ngại ngần trao ban. Xin Chúa tha thứ những thói ích lỷ, hẹp hòi nơi chúng con. Xin giúp chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban để tôn vinh danh Chúa và tìm hữu ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con theo lòng nhân hậu Chúa, xin Chúa hãy dùng cuộc đời chúng con theo ý Chúa, để sinh hoa lợi cho vườn nho của Chúa là Giáo hội chúng con. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 9 thường niên

Mc 12,13-17

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúng con tin thờ Chúa đang ngự trong phép Thánh Thể. Chúa đang đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Chúa tiếp tục nâng đỡ chở che cuộc đời chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu cao vời của Chúa. Chúng con xin phó dâng cuộc đời cho lòng thương xót Chúa.

Lạy Chúa, giữa cuộc đời đong đầy những sóng gió nghi nan. Chúng con chẳng biết phải sống sao cho đúng với những giá trị của tin mừng. Chúng con cần cơm áo gạo tiền để sống. Chúng con chạy theo đồng tiền như thể bỏ quên chính Chúa. Thế nhưng chúng con lại không thể bỏ Chúa. Chúng con phải sống cho Chúa. Chúng con ở giữa thế gian nhưng lại thuộc về Chúa. Đôi khi chúng con cảm thấy chơi vơi giữa chợ đời, chẳng biết phải sống như thế nào?

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng con: “của Sê-za hãy trả cho Sê-za – của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa”. Xin Chúa soi sáng để chúng con biết phân biệt điều gì thuộc về phần đời, về công bằng xã hội chúng con phải đóng góp cho xã hội, nhưng chúng con cũng đừng quên bổn phận phải có với Chúa là tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Xin giúp chúng con luôn đóng góp xây dựng xã hội công bằng và văn minh theo tin mừng của Chúa. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 9 TN

Mc 12,18-27

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúng con tin rằng: mỗi lần chúng con rước Chúa là một lần chúng con rước lấy mầm sống đời đời là sự sống của Chúa phục sinh. Xin Chúa ban ơn thánh hoá đến trong tâm hồn chúng con. Xin nâng đỡ đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin giúp chúng con kiện toàn con người của mình mỗi ngày một hoàn thiện hơn, để xứng đáng là đền thờ của Chúa.

Lạy Chúa, sống giữa thế gian luôn đong đầy những khổ luỵ, những tham sân si khiến lòng người luôn lo âu, sợ hãi. Chúng con luôn mơ ước có một cuộc sống an bình, hạnh phúc. Nhưng dòng đời lại đưa đẩy những sóng gió nghi nan. Xin giúp chúng con luôn biết kiên tâm vượt qua những sợ hãi để trung tín với giáo huấn của Chúa. Xin cho chúng con đủ đức tin để nhận ra Chúa luôn đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Xin giúp chúng con biết tin tưởng vào Chúa đã phục sinh để chúng con dám sống theo những đòi hỏi của tin mừng.

Lạy Chúa, Chúa là niềm hạnh phúc đích thực của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con tâm hồn an bình để chúng con cũng trao ban sự bình an và tươi vui của Chúa phục sinh đến cho mọi người. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 9 TN

Mc 12,28-34

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa chính là nguồn sự sống của chúng con. Chúng con tin và thờ lạy Chúa. Ngay từ khi dựng nên Adam. Chúa đã thổi hơi và thông truyền sự sống của Chúa cho con người. Giờ đây, qua bí tích Thánh Thể, Chúa lại tiếp tục trao ban sự sống phục sinh của Chúa nên lương thực nuôi dưỡng hồn xác chúng con. Chúa cũng muốn chúng con tiếp tục trao ban sự sống của Chúa cho tha nhân qua đời sống bác ái yêu thương của chúng con.

Lạy Chúa, giữa cuộc sống còn đầy đói khổ và bất hạnh. Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa nơi khuôn mặt khốn khổ đang cần sự nâng đỡ, ủi an của chúng con. Nơi những kẻ nghèo đói, không chỉ thiếu thốn của ăn mà còn thiếu thốn cả Lời Chúa. Nơi những kẻ đang khát, không chỉ vì thiếu nước nhưng còn thiếu sự bình an, thiếu sự công chính, thiếu cả tình thương. Nơi những kẻ bệnh hoạn thể xác và cả tinh thần đang chết dần trong tuyệt vọng. Xin giúp chúng con luôn mạnh dạn giúp đỡ họ, vì chưng: “Điều gì mà chúng con làm cho những người bé mọn là chúng con đang làm cho chính Chúa”. Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhìn thấy người nghèo như vậy, không ở đâu xa mà là ở trong gia đình mình, để chúng con biết mang niềm vui, sự no thoả hạnh phúc đến cho những người thân nhất của mình.

Lạy Chúa, xin cám ơn vì đã dựng nên chúng con ai cũng nghèo về một mặt nào đó. Ai cũng cần đến sự trợ giúp của anh em. Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau, và làm cho nhau thêm giầu có. Xin cho chúng con mỗi khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, chúng con cũng được đổi mới như Chúa để trở nên của ăn, của uống cho mọi người. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 9 TN

Mc 12,35-37

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúng con xin tuyên nhận Chúa là Thiên Chúa của chúng con. Chúng con xin tôn kính tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Chúng con xin ngợi ca tình thương quan phòng của Chúa luôn nâng đỡ che chở cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con thật lòng tạ ơn tình thương của Chúa dành cho chúng con. Cho dù cuộc đời chúng con còn đầy những tội lỗi và lầm lỡ, nhưng Chúa vẫn trao ban cho chúng con biết bao ơn lành hồn và xác. Chúa vẫn tiếp tục nhập thể trong cuộc đời chúng con hằng ngày qua bí tích Thánh Thể, qua cha mẹ, qua mọi người chung quanh, nhờ đó chúng con có một cuộc sống an vui hạnh phúc. Xin cho chúng con biết trân trọng ân ban của Chúa, và khiêm hạ đón nhận trong tâm tình cảm mến tri ân. Xin giúp chúng con cũng trở nên tấm bánh đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình chúng con.

Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ, chúng con xin phó dâng cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng của Chúa. Xin giúp chúng con luôn sống tín thác vào Chúa để tâm hồn chúng con được tươi vui và bình an. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 9 thường niên

Mc 12,38-44

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúng con cám ơn Chúa đã lưu lại nơi trần thế này. Chúng con cám ơn Chúa đã lưu lại nơi tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con có cái nhìn của Chúa. Cái nhìn của kính trọng và yêu thương. Cái nhìn của cảm thông và nhân ái. Xin giúp chúng con luôn biết sống khiêm tồn và ôn hoà với nhau để mang lại hạnh phúc cho nhau.

Lạy Chúa, với hai đồng xu nhỏ bé của bà goá dâng cúng trong đền thờ đã được Chúa ca tụng. Chúa đã thấy tấm lòng chân thành của bà. Bà không nhiều tiền nhưng nhiều tình yêu độ lượng. Bà tuy nghèo nhưng giầu lòng bác ái. Bà đã dâng tất cả cho Chúa như dấu chỉ lòng tín thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.

Nhưng Chúa ơi, đôi khi nghèo khó đâm hèn. Chúng con lại tính toán chi li với Chúa và với nhau. Chúng con thường hẹp hòi. Chúng con thường ích kỷ thiếu độ lượng bao dung. Chúng con thường hèn hạ ti tiện với anh em khi chúng con đặt đồng tiền lên trên mọi quan hệ giữa người với người. Xin giúp chúng con biết sống với nhau bằng tấm lòng quảng đại cho đi. Xin giúp chúng con biết dâng tặng cho Chúa và cho đời sự hy sinh dấn thân phục vụ của chúng con thay cho những đòi hỏi và lười biếng.

Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ, xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự và hết cả trí khôn của chúng con. Amen

Lm Jos Tạ duy Tuyền

BÀN TAY NĂM NGÓN

Đó không phải là lời ca tụng nét đẹp kiêu sa đôi bàn tay đâu nhé, nhưng đôi tay của bạn sẽ đẹp nếu bạn biết sử dụng đôi bàn tay Chúa dựng nên cho bạn. Đôi bàn tay giúp bạn nhiều việc đó là chuyện dĩ nhiên, nhưng hãy làm cho đôi bàn tay ấy trở nên công cụ cầu nguyện bạn nhé:
1. Ngón tay cái gần bạn nhất, vì thế trước hết hãy cầu nguyện cho những người gần bạn nhất. Họ là những người rất dễ nhớ đến. Cầu nguyện cho những người thân yêu là “bổn phận tự nhiên” như lời của C.S. Lewis.
2. Ngón tay kế là “ngón trỏ”. Hãy cầu cho những người chỉ bảo, dạy dỗ và chữa lành ta. Bao gồm thầy cô giáo, thầy thuốc, và những người hướng dẫn tâm linh. Họ cần sự hỗ trợ và sự khôn ngoan để hướng dẫn người khác đi đúng hướng. Hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của bạn.
3. Ngón giữa kế tiếp là ngón cao nhất trong bàn tay. Điều này gợi cho ta nhớ đến những nhà lãnh đạo. Cầu cho nhà cầm quyền, các giám đốc công ty hay quản trị công nghiệp. Những người này định hình quốc gia chúng ta và hướng dẫn dân chúng. Họ cần sự hướng dẫn của Thượng đế.
4. Ngón tay thứ tư là “ngón đeo nhẫn”. Điều làm nhiều người ngạc nhiên khi biết đây là ngón tay yếu nhất như các thầy dạy dương cầm đã công nhận. Hãy cầu cho những người yếu thế, ngững người gặp hoạn nạn hoặc đau khổ. Họ cần lời cầu nguyện đêm ngày của bạn. Những lời cầu nguyện sẽ không bao giờ trở nên quá dư thừa với họ.
5. Và cuối cùng là ngón út, ngón tay nhỏ nhất trong tất cả. Điều này giúp ta đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và những người khác. Ngón út giúp bạn nhớ để cầu nguyện cho… bạn. Khi bạn đã nhớ và cầu nguyện cho tất cả những người khác trong 4 nhóm trên, nhu cầu của bạn sẽ được nhận ra một cách thích hợp và bạn có thể cầu nguyện cho chính mình thiết thực hơn.

Nếu bạn quyết định gửi những dòng trên đây tới một người bạn, bạn có thể đã làm cho người bạn đó một ngày tươi đẹp hơn! Hãy chuyển những lời này đến một ai thật đặc biệt đối với bạn… Tôi đã làm như vậy đó.

(Dịch từ "What Five fingers are for" )
Hung Nguyen dịch

NĂM CÁCH CHUẨN BỊ TÂM HỒN TRƯỚC THÁNH LỄ

Chuẩn bị tâm hồn trước Thánh Lễ: Trong cuộc sống thường nhật, khi làm bất cứ việc gì chúng ta cũng đều phải có bước chuẩn bị. Khi chúng ta đi du lịch, cần chuẩn bị hành lý và xem vấn đề an toàn của chuyến đi. Khi chúng ta đi xem ca nhạc hay đi xem thể thao bóng đá, chúng ta cũng cần đến sớm để kiếm chỗ ngồi. Khi chúng ta tổ chức các buổi tiệc, ai nấy đều phải nghĩ đến phải chuẩn bị các món ăn thức uống gì.

Chuẩn bị là một bước quan trọng cho sự thành công trong công việc hằng ngày. Chuẩn bị tốt sẽ giúp chúng ta biết được điều gì sắp xảy ra và đồng thời giúp cho việc hoàn thành mục đích của chúng ta được hoàn hảo. Như thế, nó cũng giúp chúng ta cảm thấy yên tâm, tự tin và thoải mái trước mọi vấn đề. Chẳng có gì khác hơn: việc chuẩn bị tâm hồn trước khi tham dự Thánh Lễ cũng có tầm quan trọng như vậy.

Chuẩn bị tâm hồn trước Thánh Lễ: Đối với giáo dân việc chuẩn bị tâm hồn trước giờ lễ cũng là một việc hết sức quan trọng. Bởi vì, linh mục thì chuyên lo chuẩn bị bài giảng. Người đọc sách lo coi trước bài đọc. Ca trưởng lo chuẩn bị bài hát thích hợp với bài đọc, ca đoàn lo luyện hát. Các chú giúp lễ lo soạn áo lễ, bánh rượu. Ban phụng vụ phu trách kiểm tra bàn thờ, chuẩn bị hoa nến. Có người còn lo cả việc quét dọn nhà thờ nữa.

Chắc chắn ai cũng đồng ý việc chuẩn bị này rất quan trọng đối với sự thành công của nghi thức Thánh lễ. Nhưng rất ít người để ý những ai ngồi dưới tham dự thánh lễ cũng phải chuẩn bị tâm hồn trước khi tham dự Thánh Lễ nữa.

Vâng, ở đây chúng ta đề cập năm cách thức để chuẩn bị tâm hồn. Mặc dầu có chút khó khăn khi thực hiện, nhưng nó bảo đảm sẽ giúp ta đi sâu vào sự kết hiệp thân mật với Đức Kitô và với mọi người trong cộng đoàn hơn.

1. Nhận biết tại sao chúng ta có mặt ở nhà thờ

Thánh Lễ là một Nghi thức, “Nghi thức” theo nguyên nghĩa của ngôn từ Hy lạp là “Công việc của con người”. Bạn đến với Thánh Lễ không phải như là người bàng quan, nhưng là để tham dự giờ cầu nguyện chung, cùng với mọi người trong giáo xứ tạ ơn và thờ phượng Thiên Chúa. Đến với Thánh Lễ chúng ta không chỉ là một cá nhân đơn độc nhưng là một thành phần quan trọng trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.

Dành ít phút mỗi tuần để suy nghĩ về địa vị của mình trong thân thể này, như vậy sẽ giúp ta hiểu rõ hơn giá trị của mình trong lòng Giáo Hội, đồng thời giúp ta thấy rõ bao nhiêu món quà quý báu mà Chúa dành cho chúng ta hằng ngày. Chúng ta cũng thấy rõ hơn tương quan của mình đối với mọi giáo dân trong cộng đoàn.

2. Phản tỉnh các bài đọc

Dành ít phút đặc biệt trong ngày để coi trước các bài đọc, Thánh Vịnh và Phúc Âm của thánh lễ. Để cho lời Chúa từ từ thâm nhập vào tâm hồn và lòng trí của chúng ta. Lời Chúa có ích gì cho chúng ta, Chúa muốn nói gì với ta qua các bài đọc này? Có lời mời gọi nào dành cho ta hay cách thức nào mà Chúa dùng để hướng dẫn ta qua các bài đọc.

Để cho việc phản tỉnh lời Chúa cách dễ dàng và có hiệu quả hơn chúng ta cũng nên tìm đọc các tạp chí hay các tờ báo đạo, mạng internet. Nếu thực hiện được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ rất dễ dàng chuyên chăm lắng nghe các bài đọc, hứng thú nghe bài giảng, đồng thời càng có sự thăng tiến về đời sống tâm linh của mình.

3. Suy nghĩ về của lễ hiến dâng của chúng ta

Khi đến nhà thờ, chúng ta mang đến trước bàn thờ Chúa với tất cả những gì chúng ta có và hiến dâng cho Ngài. Thật quý giá biết chừng nào nếu chúng ta biết lo chuẩn bị những hiến lễ này trước khi đến nhà thờ. Chẳng hạn niềm vui nào ta sẽ dâng, nỗi buồn hay gánh nặng nào chúng ta muốn xin Ngài xoá bớt cho. Tất cả mọi thứ chúng ta đề có thể chia sẽ và cầu xin cùng Thiên Chúa.

Cũng có thể nghĩ đến tình trạng của tâm hồn chúng ta. Chúng ta đã hoàn toàn hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa chưa? Chúng ta đã hoàn toàn cảm thấy tự do, hay còn oán hận một ai. Chúng ta có cần sức mạnh ơn Chúa để tha thứ cho ai hoặc xin được ai tha thứ không? Chúng ta cũng cần cầu xin Chúa tha thứ để xứng đáng tham dự Nghi Lễ Hiến Tế và Giải Hoà này.

Mọi lời cầu xin chúng ta đề có thể dâng lên, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa vì những gì Ngài ban tặng cho ta.

4. Ý thức chính mình là thành phần của cộng đoàn

Chúng ta cần đến sớm trước giờ lễ. Khi đến nếu gặp thấy những giáo dân khác thì tay bắt mặt mừng, chào đón mọi người cách thân mật, luôn ý thức rõ mình là một thành phần trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Khi vào nhà thờ cần nhúng nước phép vẽ hình thánh giá trên trán để nhắc nhớ về Bí tích Rửa tội mình đã lãnh nhận, đồng thời đây cũng là dấu chỉ khiến chúng ta trở thành một thành phần trong cộng đoàn Kitô giáo. Vào nhà thờ cần nghiêm trang bái quỳ hoặc cúi đầu phục lạy Thiên Chúa. Những hành động bên ngoài này nhằm nói lên lòng tôn kính của chúng ta đối với Thiên Chúa trong tâm hồn của mình, vì Thiên Chúa hiện diện trước mặt mọi người chúng ta.

5. Tháp nhập vào sự hiện diện của Thiên Chúa

Cần giữ yên tĩnh trong tâm hồn trước giờ lễ, giữ cho tinh thần thoải mái, để cho các lo lắng và khó nhọc ra khỏi đều óc của chúng ta.

Nên nhớ giữ chay Thánh Thể trước khi rước lễ. Hành vi này giúp ta biết khát vọng lãnh nhận Thiên Chúa vào lòng. Để cho sự khát khao này kéo dài và xin Chúa đổ đầy lương thực hằng sống cho tâm hồn chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần phán dạy chúng ta qua các bài đọc, các bài hát, bài giảng của linh mục, các lời cầu nguyện và ngay cả các giây phúc nguyện gẫm của chúng ta.

Tất cả những gì mà chúng ta làm để chuẩn bị cho Thánh lễ sẽ giúp chúng ta thâm nhập sâu hơn vào mầu nhiệm hiến tế của Thiên Chúa. Nếu chúng ta bắt đầu công việc chuẩn bị này thái độ của chúng ta đối với Thánh Lễ cũng sẽ chuyển đổi. Thánh lễ sẽ trở nên quan trọng hơn cho chúng ta. Đầu óc chúng ta sẽ khám phá nhiều tình thương của Chúa, con tim chúng ta sẽ mở rộng hơn để đón nhân tình yêu của Ngài, và linh hồn chúng ta sẽ trở nên tràn đầy lòng biết ơn và cãm tạ đối với Thiên Chúa.

(Theo tạp chí “The Priest”)
Lm. Phạm Yên Thịnh, SVD

LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 6/2010

Tháng Sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa với lễ Kính Thánh Tâm Chúa vào ngày Thứ Sáu sau Chúa Nhật Kính Mình và Máu Thánh Chúa.
Ngoài lễ kính Thánh Tâm Chúa, trong tháng này, chúng ta sẽ mừng Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa (6/6/2010) và các Chúa Nhật XI, XII, XIII thường niên, Năm C.
CHÚA NHẬT KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA hướng tâm trí chúng ta về Mầu Nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa để làm của nuôi linh hồn chúng ta, để làm của lễ hiến tế trên bàn thờ. Mỗi khi chúng ta Rước Lễ là chúng ta được rước lấy Chúa Giêsu ngự thật vào lòng chúng ta để làm của ăn thiêng liêng cho chúng ta. Bài đọc I (Sáng Thế 14:18-20) nhắc đến ông Menkisêđê dâng của lễ tạ ơn và chúc phúc cho ông Abraham. Menkisêđê là hình ảnh Chúa Giêsu Kitô Linh Mục đời đời (Thơ Do Thái, chương 7). Bài đọc II (1 Côrintô 11:23-26) nhắc đến việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa trong Bữa Tiệc Ly; mỗi khi chúng ta rước lấy Mình và Máu Thánh Chúa là chúng ta loan truyền việc Chúa Giêsu đã chịu chết để chuộc tội chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 9:11-17) ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Phép lạ này là hình ảnh về việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể để nuôi linh hồn đói khát thiêng liêng của chúng ta.
LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA Bổn mạng Giáo phận, ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục (Thứ Sáu 11/6/2010) là dịp để chúng ta suy niệm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại và mọi người chúng ta. Bài Đọc I (Egiekiel 34:11-16): Thiên Chúa luôn chăm sóc chúng ta như đàn chiên yêu thương của Ngài; dẫn đưa chúng ta trên mọi nẻo đường, và tìm kiếm các con chiên xa lạc để đưa về đàn chiên. Bài Đọc II (Rôma 5:5-11) Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu vô biên của Ngài đối với chúng ta là đã sai Con Một của Ngài xuống trần và chịu nạn chịu chết để chuộc tội chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 15:3-7): Thiên Chúa yêu thương chúng ta, dù khi chúng ta yếu đuối sa ngã phạm tội, Ngài vẫn yêu thương và vui mừng khi chúng ta ăn năn hối cải và trở về với Chúa.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN (C) nói đến tình thương xót bao la của Thiên Chúa đối với những tội nhân biết nhìn nhận tội lỗi mình và thành thật ăn năn sám hối. Bài Đọc I (2 Samuel 12:7-10, 13): Vua David đã được Chúa chọn và xức dầu để làm Vua Israel, nhưng ông đã phạm tội thật nặng nề; tuy nhiên ông đã thật lòng ăn năn tội lỗi và Thiên Chúa đã tha tội cho ông. Bài Đọc II (Galat 2:16, 19-21): chúng ta được công chính hóa là nhờ lòng tin vào Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết để đền vì tội lỗi chúng ta; theo gương Thánh Phaolô “chúng ta hãy sống trong lòng tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta và hy sinh chính mình cho chúng ta.” Bài Phúc Âm (Luca 7:36- 8:3): người đàn bà tội lỗi đã đến với Chúa Giêsu và khóc lóc ăn năn sám hối tội lỗi và vì thế “tội của bà thật nhiều, nhưng đã được thứ tha.”
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN (C): nói đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại. Bài Đọc I (Giacaria 12:10-11,13:1): Tiên tri Giacaria đã tiên báo trước về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu “Chúng nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu qua.” Bài Đọc II (Galat 3:26-29): Tất cả chúng ta đều đã được chịu cùng một phép Rửa Tội trong Chúa Giêsu Kitô và được mặc lấy Chúa Kitô, nên chúng ta được nên một với Chúa, không còn phân biệt màu da, chủng tộc… Bài Phúc Âm (Luca 9:18-24): Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ “việc Chúa Giêsu sẽ chịu nạn chịu chết để chuộc tội nhân loại; nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.” Sau đó Chúa Giêsu nói “Những ai muốn làm môn đệ của Chúa cũng phải bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Chúa.”
Hôm nay cũng là ngày “Tôn Vinh Cha” (Father’s Day): Chúng ta hãy tưởng nhớ công ơn của các người cha của chúng ta và cầu nguyện xin Chúa cho các vị đã qua đời được thưởng công trên nước Chúa; cho các vị còn sống được an mạnh và vui sống trong tuổi già. Xin cho chúng ta luôn biết sống như những người con ngoan để đền đáp bao công lao nuôi dưỡng của cha mẹ chúng ta: “Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN (C): nói đến việc Chúa gọi và chọn một số người để từ bỏ mọi sự và hiến thân phục vụ công việc của Chúa. Bài Đọc I (1 Các Vua: 19: 16,19-21): Thiên Chúa đã chọn Êlia là tiên tri cho Chúa và khi Êlia sắp mãn cuộc đời, Chúa bảo Êlia chọn Êlisê để thay thế và Êlisê đã trở nên một tiên tri thay thế tiên tri Êlia. Bài Đọc II (Thơ Galat 5: 1, 13-18): Chúng ta đã được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi để được sống trong tự do của con cái Chúa; chúng ta đừng sống theo đam mê tội lỗi xác thịt và thế gian nữa, nhưng hãy sống theo ơn Chúa Thánh Thần, để yêu thương phục vụ lẫn nhau như những người con yêu thương của Chúa. Bài Phúc Âm (Luca 9:51-62): Trên đường đi Giêrusalem để chuẩn bị cuộc tử nạn, Chúa Giêsu muốn đến một làng xứ Samria nhưng họ không chấp nhận; hai anh em Giacôbê và Gioan đã xin Chúa cho lửa đốt ngôi làng đó; nhưng Chúa Giêsu bảo: “Con Người đến không phải để giết chết, nhưng để cứu chữa người ta.” Đối với một số người muốn theo làm môn đệ của Chúa, Chúa bảo phải bỏ mọi sự mới có thể theo Chúa.
Tháng này cũng là tháng cuối cùng trong Năm Thánh cầu cho các Linh Mục. Tuy nhiên, việc cầu nguyện cho các Linh Mục vẫn là công việc chúng ta phải làm hàng ngày để xin ơn thánh hóa cho các Chủ Chăn trong Giáo Hội, nhất là những vị Chúa sai đến giữa chúng ta. Chúng ta cũng hãy tiếp tục cầu nguyện và khuyến khích cho có nhiều bạn trẻ được Chúa gọi để hiến dâng cuộc đời, trở nên các linh mục, tu sĩ nam nữ, để phục vụ Chúa và Giáo Hội. Tham gia vào các Hội BảoTrợ Ơn Gọi cũng là cách rất tốt để giúp phát triển Ơn Gọi ở các nơi.
LM. Anphong Trần Đức Phương

LỊCH PHỤNG VỤ LỄ CHÚA BA NGÔI

PHÂN CÔNG PHỤNG VỤ GIÁO HỌ PHÊRÔ