Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

CHỮ HIẾU THỜI NAY

Công cuộc hội nhập văn hoá đã xua đi bức màn của hơn một ngàn năm phong kiến. Nàng Thuý Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã được trả về chỗ đứng trong thi ca. Chữ hiếu mà ngày xưa nàng Kiều đã bán mình để chuộc cha, vẫn là chữ hiếu được ngợi ca trong đạo làm con thời Gia Long, nhưng đó không là chuẩn mực hiếu đạo trong thời đại ngày nay.
Những đổi thay của thời cuộc và sự thay đổi trong quan niệm sống, làm cho chữ hiếu ngày nay rời xa khung giá trị xưa kia.
Nếu hiếu đạo của thế hệ trước mang tính thiêng liêng, truyền thống thì hiếu đạo của thế hệ sau mang tính đối thoại, chia sẻ, cảm thông….

Nếu chữ hiếu của người phương Đông khép mình trong việc vâng lời, chăm sóc cha mẹ lúc về già ,và tiếp tục thờ cúng sau khi cha mẹ quy tiên, thì chữ hiếu của người phương Tây lại chú trọng thực hiện khi cha mẹ còn sống.

Theo qui luật, hoàn cảnh xã hội thay đổi, đòi hỏi những chuẩn mực đạo đức cũng phải thay đổi theo.

Tuy nhiên, đạo hiếu làm con ở mọi thời đại đều tựu chung cốt lõi quan trọng nhất là tấm lòng biết ơn những người đã sinh thành và thi ân cho mình, thể hiện bằng sự quan tâm chăm sóc, cầu mong cha mẹ khoẻ mạnh, sống lâu, vui vẻ,…

Đạo hiếu là một chất liệu sống tốt đẹp trong văn hoá của mọi dân tộc và mọi thời đại. Ý thức về hiếu hạnh với cha mẹ, tổ tiên là nền tảng xây dựng đạo đức xã hội. Nếu tình mẹ cha là cội nguồn của mọi thứ tình, thì đạo hiếu là gốc rễ của mọi đức tính con người.

Hiếu đạo là nét đẹp trong đạo lý làm người, không phải là thứ tình cảm tự nhiên, mà là do ý thức quyết định, không phụ thuộc vào hoàn cảnh hay điều kiện sống.

Tuy nhiên khả năng nhận thức của mỗi cá nhân khác nhau, nên chữ hiếu được ý thức và thực hiện ở mức độ cao hay thấp không giống nhau. Báo Dân trí tháng 09 năm 2009, có đưa tin về cậu bé 5 tuổi đã phải cán đáng việc nhà, tự lo cho bản thân và chăm sóc người mẹ bị ung thư. Ngược lại có những người sau mấy chục tuổi đời, phạm trù hiếu nghĩa vẫn còn đang nằm bất động sâu dưới tận đáy tâm hồn và bị che phủ bởi lớp trầm tích vô ơn.

Xã hội ngày nay không ít người vịn vào lý do bận rộn mà không có thời gian quan tâm đến cha mẹ. Thậm chí họ còn thuê người để chăm sóc cha mẹ nằm viện. Khi cha mẹ ra đi, họ ăn năn, thống hối bằng những giọt nước mắt, bằng lễ tang thật lớn. Thứ hiếu nghĩa muộn màng ấy, ngày nay không hiếm.
Cuộc sống thời hiện đại là một cuộc chạy đua tốc độ. Không ít những người trẻ đã vội vã lao vào cuộc đời với nhiều đòi hỏi vị kỷ cá nhân. Khoảng cách giữa các thế hệ trong một mái nhà gia tăng và xu hướng chạy theo những điều trước mắt, khiến họ đi ngang qua và cảm nhận cuộc sống cách hời hợt. Thiếu những phút giây lắng động và nuôi dưỡng lòng biết ơn, đa số người trẻ đã vô tình đánh mất nhiều giá trị quý báu trong hành trang làm người…

Hiếu đạo thời nay không cần bán mình chuộc cha, hiếu nghĩa ngày nay không đơn thuần là luôn vâng lời. Con cái có thể đối thoại với cha mẹ nhưng phải lễ độ, từ tốn, lựa lời, chọn lúc.

Lâu nay, xã hội vẫn quan niệm rằng đạo hiếu là bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Đó là đạo một chiều từ dưới lên trên.

Chiều thứ 7, ngày 08/05/2010, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TP. HCM, cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến đã trình bày cho khán giả một cái nhìn mới về “Đạo hiếu trong tương quan hai chiều.”

Gia đình là một tổ hợp các mối tương quan, trong đó các cá nhân có liên hệ và tương tác lẫn nhau. Tương quan dòng tộc cho thấy sự hiện hữu của một con người thật giá trị, vì chuỗi dài nối tiếp các thế hệ đã chuẩn bị từ rất lâu để đưa một nhân sinh vào đời. Thiên chức làm cha mẹ vừa cao quý trong việc cộng tác vào chương trình Tạo Hoá để sản sinh ra con người mới và rèn luyện con người đó trở nên hữu dụng cho đời, vừa khó nhọc vì đòi hỏi nhiều cố gắng, hy sinh, trải dài và xuyên suốt cả cuộc đời. Truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam thường kính nhớ đến ông bà, tổ tiên đã khuất như một lời tri ân, nhắc nhớ về cội nguồn của mình.

Bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng đều mong muốn con mình có hiếu, nhưng làm thế nào để con cái hiếu thảo là một vấn đề lớn. Báo chí và các phương tiện truyền thông thời nay đã đưa tin về những vụ án con cái nhẫn tâm giết cha mẹ để tranh tài sản hay ngược đãi mẹ cha tuổi xế chiều, hoặc có hành vi hỗn láo, xem việc phụng dưỡng cha mẹ là một gánh nặng và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau… Thực trạng này phản ánh nền đạo đức xã hội đang xuống cấp và băng hoại trầm trọng. Vấn đề không nhỏ nằm trong giáo dục gia đình. Gia đình là cái nôi, là ngôi trường giáo dục đầu tiên của mỗi người. Thế hệ đi sau thực hiện bổn phận đạo hiếu của mình, không phải từ chính bản thân đối tượng đó, mà từ cha mẹ đã truyền đạt lại cho con cái qua cách hành xử trong đời sống thường nhật. Điều này có nghĩa là chữ hiếu phải được vun bón từ gốc.

Mầm hiếu đạo mà cha mẹ gieo vào lòng con cái qua những lời ru tiếng hát, ngay từ thưở con mới lọt lòng. Cây hiếu đạo được chăm sóc và nuôi dưỡng qua những dấn thân yêu thương, cảm thông, nuôi dạy và làm gương sáng cho con cái. Quả hiếu đạo không chỉ được hưởng nhờ bởi người vun trồng. Đạo hiếu vốn không đóng khung, bó hẹp trong phạm vi gia đình. Một người bất hiếu với Đấng sinh thành thì khó trở thành người tốt trong tương quan với người khác. Người con hiếu thảo đảm nhận trách nhiệm đối với gia đình hẳn là một công dân tốt biết gánh vác bổn phận với xã hội.

Cha mẹ hy sinh bản thân và những nhu cầu riêng tư, dấn thân trong việc dưỡng dục, trao dồi đời sống nội tâm, mưu cầu hạnh phúc và sự thăng tiến của con cái; Đó là hiếu đạo theo chiều từ trên xuống và là nền tảng của đạo hiếu theo chiều từ dưới lên trên.

Không chỉ là bổn phận, trách nhiệm, hiếu nghĩa với mẹ cha còn là quyền lợi thiêng liêng và cao cả của mỗi người. Con cái hiếu thảo với cha mẹ, ngoài việc mang lại sự êm ấm và niềm hạnh phúc trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc trong tâm hồn.


Hạt Cát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét