Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ NÊN BIẾT 1

1. Con bạn học gì ở trường mẫu giáo
Một số phụ huynh hỏi: "Tại sao con tôi học hết 4 năm "đại học mẫu giáo" mà vẫn không biết đọc, biết viết?". Đặt câu hỏi trên có nghĩa là phụ huynh hoàn toàn không hiểu gì về cách giáo dục ở mẫu giáo.
Nếu trước đây bé chỉ biết quanh quẩn bên ba, quấn quýt bên mẹ thì nay chân đã đi vững, miệng nói bi bô, muốn có bè bạn, thích ra đường chơi để được hoạt động nhiều hơn và giao tiếp rộng hơn, vì đời sống thiên nhiên và xã hội còn bao nhiêu bí ẩn đối với bé. Trường học chính là nơi thích hợp nhất, thỏa mãn được nhu cầu hiểu biết và vui chơi của trẻ.
Những bài học làm người đầu tiên
Qua các bài đồng dao, bài thơ, bài hát có tiết tấu vui tươi, ngộ nghĩnh, tình cảm, bé thích và nhớ nhanh. Đi học mẫu, bé có dịp làm quen với ngôn ngữ văn học, nghệ thuật.
Một số phụ huynh hỏi: "Tại sao con tôi học hết 4 năm "đại học mẫu giáo" mà vẫn không biết đọc, biết viết?". Xin thưa: Ngày ngày, bé đến trường mẫu giáo không phải để ngồi nghe cô giảng bài như học sinh phổ thông, mà là để vui chơi cùng các bạn, để tham gia các hoạt động khác nhau. Bé học làm người: Bé biết có cô Tiên hiền từ, ông Bụt luôn xuất hiện kịp thời giúp đỡ trẻ em ngoan; có mụ phù thuỷ hay con yêu tinh đáng ghét lúc nào cũng rình rập chờ đợi cơ hội làm điều ác. Qua chuyện kể, bé biết cái thiện và cái ác, tình cảm đạo đức và tình cảm thẩm mỹ.
Sức mạnh của giáo dục tập thể
Ở trường mầm non, bé còn học cách hoà đồng với các bạn, biết giữ yên lặng trong giờ ngủ trưa, biết cảm ơn, xin lỗi. Trước khi ăn, bé rửa tay sạch, biết giơ tay xin phát biểu. Chơi xong: tự cất đồ chơi lên kệ. Cô còn dạy cho bé tự phục vụ, tự xúc cơm ăn, uống nước xong úp cốc xuống. Cô nói gì là bé nghe ngay, không cần đánh, la vì xung quanh có bao nhiêu bạn cũng đang nghe lời cô, bé mà không nghe, các bạn cười. Sức mạnh giáo dục tập thể là vậy.
Bé đang loay hoay dưới đất nhào nặn cục đất, hoạt động nghệ thuật đấy. Với trẻ ở lứa tuổi mầm non, hoạt động nghệ thuật đồng nghĩa với sự thể nghiệm cảm giác: đất sét dẻo bao nhiêu thì nặn được, vòng cổ tay cầm bút sao cho khéo để ra hình tròn... Thông qua tạo hình, trẻ em học lập kế hoạch hành động: quyết định sẽ làm gì, dùng vật liệu nào, sắp xếp các chi tiết ra sao... Lúc vào lớp một, bé đã có các kiến thức cơ bản, bé háo hức học hỏi, ham tìm tòi, và điều quan trọng nhất là bé tự tin, biết lắng nghe cô và làm theo, biết tập trung chú ý. Bấy nhiêu thôi là cha mẹ có thể yên tâm cho bé vào lớp một.
Một số bé được học trước chương trình lớp một, khi bước vào trường phổ thông trong những tháng đầu có thể hơn bạn mình ở chỗ biết một số chữ, một số con tính, nhưng do không được chuẩn bị trước về mặt tâm lý và thể chất nên mau chóng tụt hậu sau các bạn. Trẻ có thể sinh ra chủ quan khi phải học lại cái đã biết, nên chểnh mảng, chán học. Tệ hại hơn là thói quen học sai phương pháp đã cản trở việc tiếp thu điều cô dạy, để lại những thói quen xấu trong hoạt động trí tuệ của các bé. Sửa sai, phá bỏ một thói quen bao giờ cũng khó hơn hình thành thói quen mới.
Cha mẹ có thể làm gì hỗ trợ cô giáo dục con cái?
- Giữ nếp sinh hoạt như ở trường mầm non: cho con ăn, ngủ đúng giờ, vệ sinh cá nhân tốt.
- Không làm hộ trẻ, để trẻ lớn lên là những người tự lập, tự tin, sáng tạo, yêu lao động.
- Thường xuyên trò chuyện với con bạn: hỏi con đi học có vui không, nghe con hát, đọc thơ, kể chuyện (khuyến khích con nói năng mạch lạc, mạnh dạn, làm cho con thêm mến thầy, yêu bạn...).
- Tranh thủ lúc đưa đón con để trao đổi với cô về sinh hoạt trong ngày của con bạn, cùng cô tạo mọi điều kiện phát triển trẻ em.
2. Cha mẹ nên chú ý những biểu hiện lạ của trẻ
Bạn có bao giờ giật mình vì đột nhiên con bạn có những thay đổi hoàn toàn về mặt tâm lý? Có thể do bạn quá bận rộn với công việc mà sao nhãng việc chăm sóc đứa con bé nhỏ. Đứa bé bỗng trở nên ngỗ nghịch, hư đốn hoặc lầm lì khác thường.
* Vì sao bé trầm uất, lầm lì?
Nếu thấy con bạn có những biểu hiện, hành động khác lạ sau đây, bạn nên kiểm tra lại xem tâm lý của bé co gì bất ổn không?
- Mặt lầm lì, quàu quạu, chẳng nói chẳng cười, cũng chẳng nhõng nhẽo. Không nói chuyện với bố mẹ như thường ngày.
- Ở trường học, bé không chơi đùa với các bạn mà hay ngồi lì một chỗ, không phát biểu ý kiến, không hứng thú trong giờ học.
- Ở nhà, bé chỉ làm mỗi một việc như xem ti vi cả tối. Hoặc có bé ngồi vào bàn học miệt mài suốt buổi mà không chú ý đến cha mẹ, anh chị em.
Giải pháp tạm thời: Đó là hiện tượng trầm uất ở trẻ em. Trong trường hợp này, bạn nên tạo tâm lý thoải mái cho bé bằng những biện pháp gợi ý như sau:
- Cha mẹ nên gần gũi, vỗ về bé. Những cử chỉ nhẹ nhàng, dịu dàng, thái độ ân cần, âu yếm sẽ làm dịu bớt những tổn thương trong lòng của bé.
- Đưa bé hoà nhập trở lại với bạn bè bằng cách đơn giản như: rủ bạn đến nhà học nhóm, ôn bài. Bố mẹ cùng tham gia các trò chơi với bé như chơi nhà chòi, bán đồ hàng, chơi búp bê... với bé gái. Chơi đánh trận, tập đánh cờ tướng... với bé trai.
- Ban đầu, có thể bé sẽ không mấy hưởng ứng, nhưng bạn cần hết sức kiên nhẫn để khuyên nhủ, chăm sóc bé.
* Vì sao bé lại ngỗ nghịch và nổi loạn?
Trái với trường hợp trên, bé lại tỏ ra rất cứng đầu. Nó cương quyết không vâng lời cha mẹ. Đòn roi chỉ làm nó thêm xa lánh, và càng "đối đầu" với bạn hơn. Đôi khi, bé còn tỏ ý từ chối quyết liệt sự chăm sóc của bạn. Nó tự làm tất cả mọi việc, dù bạn tỏ ý muốn giúp nó. Làm ngược lại những điều cha mẹ khuyên bảo.
Giải pháp tạm thời:
- Trước tiên, bạn phải chiều theo ý con trẻ. Không dùng roi vọt, la mắng bé nữa.
- Đáp ứng những "yêu sách" nhỏ để tìm xem bé nổi loạn vì lý do nào.
- Nếu tất cả phương pháp trên đều không có kết quả, bạn vẫn còn một cách: Đưa bé đến gặp chuyên gia tâm lý. Chuyên gia sẽ cho bé làm những ca trắc nghiệm nhỏ. Từ đó, bạn sẽ giải đáp được những thắc mắc của mình. Cuộc sống quá bận rộn, bố mẹ khó chăm sóc con cái chu đáo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bố mẹ nên đích danh đưa đón con đi học. Dù bố mẹ vất vả hơn nhưng vẫn đảm bảo được an toàn cho trẻ, vừa tạo tình thân đặc biệt giữa bố mẹ và con cái.
3. Rối loạn tâm thần ở trẻ em và cách phòng tránh
Nếu trẻ đột nhiên học hành sa sút, ăn ít, uống nhiều, thức khuya, mất ngủ và hay khóc, cười vô cớ, cha mẹ hãy quan tâm tới trẻ sát sao hơn, vì đó có thể là những dấu hiệu của chứng rối loạn tâm thần. Trẻ bị rối loạn tâm thần còn có thể có những biểu hiện khác như rối loạn tư duy (nói nhiều, nội dung linh tinh, khó hiểu), gia tăng hành vi, rối loạn bài tiết (tiểu lắt nhắt nhiều lần). Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc Bệnh viện Sức khoẻ Tâm thần TP. HCM, cho biết, các dạng rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp ở trẻ vị thành niên là rối loạn vận động, loạn thần cấp, tâm thần phân liệt, chậm phát triển tâm thần, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn phát triển tâm sinh lý... Nguyên nhân gây rối loạn bao gồm:
- Yếu tố sinh học (di truyền).
- Tổn thương thực thể (xảy ra trong thời kỳ bào thai, sinh nở hoặc do bệnh tật sau sinh).
- Sang chấn tân lý: Ở tuổi học trò, những trục trặc trong cuộc sống gia đình và nhà trường, sự thiếu hụt tình cảm (do cha mẹ ly dị, bỏ rơi, do quan hệ thầy trò, bạn bè bị xáo trộn) dễ dẫn đến các rối loạn kể trên.
Hành vi bất thường ở trẻ có thể chỉ là một phản ứng nhất thời. Nếu được xử lý thích hợp, trẻ sẽ ổn định và tiếp tục phát triển bình thường. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, trẻ cần được khám nghiệm đầy đủ về y khoa và tâm lý. Cha mẹ phải vượt qua mặc cảm "bệnh tâm thần" để đưa con đến khám ở cơ sở chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Những ứng xử hợp lý trong cuộc sống hằng ngày của cha mẹ sẽ giúp phòng tránh nguy cơ rối loạn tâm thần cho con, cụ thể là:
- Tạo không khí gia đình ấm áp, hoà thuận, mọi người yêu thương nhau. Trong đó, cha mẹ là tấm gương sáng cho con, giúp trẻ tự khẳng định và bảo vệ mình, tự đề kháng trước những nguy cơ bên ngoài.
- Không áp đặt, chụp mũ, xúc phạm hay dùng những biện pháp nặng nề với trẻ. Những hành vi thô bạo sẽ để lại vết thương sâu trong tâm hồn, ngăn chặn sự phát triển bình thường của trẻ.
- Nên chấp nhận thực trạng của trẻ, không áp đặt các định kiến hay sự kỳ vọng của mình. Cần tìm cách phát huy những mặt tích cực của trẻ thay vì than vãn, hối tiếc, tuyệt vọng.
- Không nên quá nuông chiều, đừng sợ con thất bại hay gặp nguy hiểm mà không cho nó tự lập, làm trẻ mất tính chủ động.
- Tạo môi trường học đường và xã hội lành mạnh, không gây áp lực tâm lý quá nhiều về việc học tập của các em.
4. 12 cách hữu ích giúp trẻ vui sống
Các chuyên gia tâm lý khẳng định rằng những đứa trẻ có khả năng vui sống thường có một số tính cách đặc thù - bao gồm lòng tự trọng, tính lạc quan và khả năng tự chủ. Niềm vui sống nuôi dưỡng tâm hồn trẻ và giúp trẻ thấm nhuần ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống. Dưới đây là 12 cách hữu ích giúp trẻ thành công trong tương lai.
1. Để trẻ tiếp cận với niềm vui thường ngày
Đừng áp đặt trẻ. Hãy tạo khoảng không gian và thời gian thoải mái để trẻ tự do chơi đùa và tưởng tượng. Điều đó giúp trẻ phát triển khả năng tìm hiểu và khám phá theo cách riêng của mình. Bạn cũng có thể tạo niềm vui cho trẻ khi cùng trẻ tổ chức sinh nhật cho búp bê hay giúp trẻ may quần áo...
2. Dạy trẻ biết quan tâm
Từ khi còn rất nhỏ trẻ em đã thích giúp người khác”. Hãy giúp trẻ nhận thấy mình là thành viên quan trọng và có ích bằng cách tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với mọi người. Hãy cùng trẻ chọn ra những món đồ chơi, quần áo cũ để gửi tặng trẻ em nghèo.
3. Giúp trẻ rèn luyện thể chất
Bạn hãy khuyến khích con tham gia các hoạt động thể lực trẻ yêu thích, vì các hoạt động này không chỉ rèn luyện sức khỏe và khả năng chịu đựng mà còn làm cho trẻ vui, giảm căng thẳng và giải tỏa năng lượng một cách lành mạnh.
4. Hãy cùng trẻ cười lên
Bạn hãy kể chuyện vui cho trẻ nghe, cùng hát với trẻ những bài hát thiếu nhi, tự dí dỏm về mình. Cười có lợi cho trẻ và bạn vì khi cười bạn giải toả căng thẳng và hít oxy vào cơ thể nhiều hơn, nhờ đó mà tinh thần phấn chấn.
5. Cần sáng tạo trong việc khen thưởng
Cha mẹ không nên khen trẻ bằng cách nói đơn giản “tốt lắm”. Lời khen cần rõ ràng, hợp lý và nêu được chi tiết sự tiến bộ của trẻ. Trẻ sẽ vui vẻ và cố gắng hơn nếu bạn nói: “Con tô màu bức tranh này đẹp quá!”.
6. Quan tâm đến chế độ ăn của trẻ
Trường hợp trẻ đói không đúng vào giờ ăn (không phải do bệnh), hãy cho trẻ ăn tạm nhưng phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng (như: sữa chua ít béo, trái cây tươi hoặc khô...). Ăn uống đủ chất sẽ giảm phần nào tính hay thay đổi ở trẻ và làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
7. Khơi dậy tính nghệ sĩ nơi trẻ
Bất kỳ hình thức nghệ thuật nào cũng giúp con bạn giải toả tình cảm và làm đời sống nội tâm trẻ thêm phong phú. Thông qua các hình thức nghệ thuật, trẻ sẽ biểu lộ những cảm xúc về bản thân và về thế giới riêng của mình. Được khen khi chơi các môn nghệ thuật hay biểu diễn văn nghệ ở trường giúp trẻ cảm thấy hài lòng với chính mình.
8. Hãy mỉm cười với trẻ
“Mỗi ngày một người cần bốn lần ôm để tồn tại, tám để duy trì sự sống và mười sáu để trưởng thành”. Khi bạn nở một nụ cười thật tươi và ôm con vào lòng nghĩa là bạn ngầm quả quyết với trẻ rằng trẻ đã làm rất tốt. Hãy nhớ rằng nụ cười và những vòng tay âu yếm có ích cho cả bạn lẫn trẻ.
9. Lắng nghe
Trẻ rất muốn được cha mẹ chú ý vì đó là lúc trẻ cảm thấy mình được quan tâm. Hãy tạm ngưng công việc và tập trung nghe khi trẻ muốn nói. Đừng bao giờ ngắt lời trẻ, chấm dứt câu chuyện hay nghe một cách qua loa - ngay cả khi bạn đã nghe trẻ nói rất nhiều lần. Hãy trò chuyện và lắng nghe trẻ khi bạn đưa trẻ đến trường hoặc khi bạn dỗ trẻ ngủ.
10. Đừng đòi hỏi ở trẻ sự hoàn hảo
Nếu bạn ấn định hay đòi hỏi hoàn hảo về một công việc mà trẻ phải làm nghĩa là bạn đã làm giảm lòng tin ở trẻ. Trước khi dạy trẻ làm việc tốt hơn, bạn nên tự hỏi: - Trẻ không làm tốt việc là do sức khoẻ hay vì việc vượt quá khả năng trẻ? - Nếu đó không phải là sai sót thường xuyên thì bạn đừng bận tâm nhiều về chuyện này nữa. Dần dần, trẻ sẽ tự phấn đấu và làm việc tốt hơn.
11. Huấn luyện trẻ khả năng giải quyết vấn đề
Trẻ sẽ tự tin hơn khi tự mình giải quyết thành công một khó khăn nào đó. Bắt đầu từ những việc đơn giản như: cột dây giày, băng qua đường an toàn..., sau đó trẻ tiến dần đến khả năng tự giải quyết vấn đề lớn hơn một cách độc lập. Bạn cũng có thể giúp trẻ bằng cách:
- Tìm hiểu và chỉ ra các bước giải quyết vấn đề của trẻ.
- Quyết định trợ giúp hay để trẻ tự giải quyết.
- Nếu trẻ cần hỗ trợ, phải đảm bảo sự hỗ trợ hợp lý và kịp thời.
12. Cho trẻ cơ hội thể hiện khả năng của mình
Cậu bé rất mê sách? Hãy cho trẻ đọc trong lúc bạn đang làm bếp. Con gái bạn có năng khiếu về số? Khi bạn đi mua sắm, hãy để con bạn có dịp trổ tài tính toán. Khi bạn chia sẻ với trẻ lòng nhiệt tình và cho trẻ thấy bạn trân trọng những món quà nó tặng thì bạn đã làm tăng lòng tự trọng của con mình.
5. Dạy con: nguyên tắc nhưng không cưỡng ép
Trong gia đình, người mẹ luôn là chỗ dựa êm ái nhất cho con cái, là nguồn động viên, vỗ về cho con phấn đấu. Nếu quan hệ mẹ con không tốt sẽ có tác dụng ngược lại.
Con cái chê trách cha mẹ?
Bạn đang giặt đồ lỡ tay trong khi nồi canh sôi sục trên bếp đang trào ra. Bạn gọi con đang học bài xuống bếp nhấc nồi canh xuống. Con bạn làm xong, cằn nhằn: “Con ghét mẹ quá. Đang học bài mà cũng không yên”. Nghe tiếng “ghét” mẹ nổi giận đùng đùng la mắng con thậm tệ. Không nên buồn vì việc con cái chê trách bố, mẹ trong một thời điểm nào đó, mà nên xem đó là bình thường trong quá trình trưởng thành của con cái. Trong trường hợp này, bạn nên bình tĩnh giải thích cho con hiểu: việc nhờ con trong trường hợp này là bất khả kháng. Những việc khác gia đình không bao giờ sai biểu con làm trong lúc đang học. Mẹ sợ đi xa cách ngày vì sợ nền nếp trong nhà xáo trộn do thiếu bàn tay nội trợ. Bạn không biết trong thời gian đó chồng, con ăn ngủ ra sao. Không nên để chuyện nhà chỉ lệ thuộc vào một người. Thỉnh thoảng vắng nhà vài ngày là cách bạn để con cài tập quán xuyến việc nhà. Điều đó có lợi để rèn luyện tính độc lập, không ỷ lại.
Để con có nhiều phương án lựa chọn
Bạn thấy con không được sạch sẽ. Bạn gắt lên “đi tắm đi” hoặc “bẩn quá, có đi tắm không”.
Không nên dùng mệnh lệnh như vậy, con bạn sẽ miễn cưỡng vâng lời nhưng không được vui. Thay vào đó, bạn nên nói: “Con muốn tắm rửa bây giờ hay để chiều mát cũng được. Tắm sạch rồi con sẽ rất đẹp trai”.
Không chọn phương án đe doạ
Khi muốn con làm việc gì đó, bạn thường hay dùng cụm từ “mày không bao giờ...” hoặc “mày vẫn cứ...” rồi “mày sẽ bị...”. Bạn nên chỉnh lại cách nói như vậy vì nó luôn tạo áp lực nặng nề làm cho con bạn sợ hãi khi thất bại, thiếu tự tin do đó thiếu năng động. Bạn nên dùng các câu có ý nghĩa tích cực như “nếu con làm... thì sẽ rất tốt” có tác dụng khuyến khích.
Có nguyên tắc nhưng cần linh hoạt
Cứ hàng tuần vào chiều thứ tư, bạn phân công con bạn đến cửa hàng mua gạo chở về dùng cho cả tuần. Chiều thứ tư tuần này, đi làm về, trời mưa, bạn phát hiện con bạn không ra cửa hàng mua gạo. Bạn bực mình rầy la con mặc dù nhà vẫn còn gạo nấu. Không nên: Mặc dù việc nhà đã phân công thành thói quen, nhưng nguyên tắc không phải là điều cứng nhắc. Chiều hôm ấy trời mưa, chở gạo về không tránh khỏi bị ướt. Bạn có thể linh động cho phép con để đến chiều hôm sau, trời nắng ráo mua gạo tiện hơn.
Đừng cưỡng ép con
Hơn 10 giờ tối, bạn phát hiện ra bình dầu ăn đã hết, sáng sớm mai không thể làm bữa điểm tâm cho cả nhà. Bạn gọi con gái mới 10 tuổi đi mua dầu ăn. Con bé không chịu đi vì “sợ ma”. Bạn cưỡng ép con phải đi cho được. Bé vừa đi vừa khóc. Đừng nên cho rằng con bạn có khả năng làm việc làm được mọI chuyện, không sợ gì cả và nếu nó từ chối chỉ vì giả vờ hoặc lười biếng. Sợ ma (chủ yếu là sợ đường vắng) là cảm giác thật của trẻ vị thành niên, nhất là con gái. Trước khi giao một nhiệm vụ gì, bạn cần cân nhắc: việc đó có vượt quá khả năng của con không và tốt nhất là đừng cưỡng ép.
Nói ra điều hy vọng hơn là ràng buộc
Con bạn đang học lớp 12, bạn ra mệnh lệnh “năm nay phải thi đậu đại học, nếu không đậu thì phải tìm việc làm, không ai nuôi nữa đâu”. Bạn tưởng rằng nghiêm khắc như thế con bạn sẽ cố gắng học tập, nhưng thực ra chỉ làm con bạn căng thẳng, khó học tập nếu nghe những lời như thế, mặc dù nó biết rằng nó có rớt đại học thì gia đình sẽ cho thi lại. Tốt nhất bạn nên nói “con sẽ đem lại niềm vui cho gia đình nếu năm nay thi đậu đại học”.
6. Bạn có biết lắng nghe con trẻ?
Khi con bạn bước chân đến trường cũng có nghĩa là trẻ bước vào một thế giới rộng lớn với rất nhiều khó khăn, rất nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn cần chia sẻ. Nhưng liệu bạn có biết lắng nghe tiếng nói của con bạn không? Điều đó không dễ chút nào.
Không ngắt lời
Liệu có lúc nào vì đang bận bịu mà bạn nóng nảy ngắt lời trẻ không? Thực ra những ông bố bà mẹ biết yên lặng nghe con mình thổ lộ hết nỗi niềm quả không nhiều. Con chúng ta vẫn thường xuyên phải nghe những câu đại loại như: “Thôi được rồi, mẹ đang bận, để mai mẹ sẽ hỏi cô giáo cho con”. Hoặc là: “Sao con lại chọn vào đúng lúc này để kể lể nhỉ? Thôi, để tý nữa mẹ sẽ nghe con nói”. Nhưng chính những đứa trẻ cũng cần được tôn trọng và lắng nghe không bị ngắt lời như một người lớn.
Hãy để cho trẻ biết rằng bạn hiểu và thông cảm
Khi trẻ chạy đến kể với bố mẹ một điều gì đó có nghĩa là trẻ cần tìm ở bạn một chỗ dựa tinh thần, sự cảm thông và giúp đỡ, vì vậy bạn luôn phải tỏ thái độ quan tâm và sẵn lòng lắng nghe. Nếu bạn vẫn thường xuyên vừa đọc báo, vừa nghe con tâm sự thì tốt hơn hết bạn nên tạm gác công việc sang một bên và nghe trẻ nói. Và bạn nên suy nghĩ một chút trước khi trả lời. Nếu con bạn vừa dứt lời bạn đã đưa câu trả lời ra ngay sẽ gây cho trẻ ấn tượng rằng những khó khăn, rắc rối của trẻ chì là những điều vớ vẩn, không đáng để bàn bạc. Hãy nói rằng bạn hiểu vấn đề đó khó khăn đối với trẻ như thế nào trước khi giúp trẻ giải quyết vấn đề.
Tìm hiểu nguyên nhân thay vì phán xét
Nếu như cậu con đang học tiểu học thổ lộ với bạn rằng bé đang rất bối rối vì đã lỡ lấy cây bút chì của một bạn cùng lớp thì bạn không nên vội vàng la mắng con. Sự chỉ trích của bạn làm trẻ cảm thấy sợ hãi và lần sau con bạn sẽ không còn tâm sự với bạn những chuyện như vậy nữa. Điều bạn nên làm là tìm hiểu tình huống con bạn đã làm việc đó. Dù vì lý do gì đi nữa bạn cũng nên khen ngợi trẻ vì trẻ đã dũng cảm nhận ra lỗi lầm của mình và động viên con đưa trả bút cho bạn. Nếu bạn tạo được một thói quen trò chuyện và chia sẻ, một bầu không khí yên ấm và quan tâm lẫn nhau trong gia đình thì chắc chắn con bạn sẽ luôn luôn tâm sự với bạn mọi nỗi niềm của chúng.
Chọn một không gian thích hợp cho cuộc trò chuyện
Bạn hãy tìm một góc thích hợp cho cuộc trò chuyện khi con bạn gặp rắc rối để không làm đứt đoạn cuộc trò chuyện, phân tán sự chú ý của bạn. Điều đó tạo cho con bạn cảm giác rằng bạn rất quan tâm đến điều trẻ sắp nói, giúp trẻ đủ tự tin và bình tĩnh để bày tỏ với bạn những nỗi lo lắng trong lòng.
Hãy biết chờ đợi
Bạn đừng ngạc nhiên khi trẻ im lặng, không thể bắt đầu cuộc trò chuyện. Dù sao thì con bạn vẫn còn là một đứa trẻ. Bạn đừng làm trẻ hoảng sợ bằng những lời nói theo kiểu: “Nói nhanh lên nếu không thì mọi việc hỏng hết bây giờ”. Bạn nên khích lệ trẻ: “Bố mẹ biết có những chuyện thật khó nói nhưng nếu con kể hết thì bố mẹ sẽ giúp con vượt qua được khó khăn này”. Trong những trường hợp trẻ ngập ngừng không nói, bạn có thể giúp trẻ bắt đầu bằng cách đưa ra những câu hỏi gợi ý hoặc kể những trường hợp tương tự của bạn trong thời niên thiếu. Lắng nghe, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của con trẻ là cả một nghệ thuật làm cha mẹ.
7. Khi con bạn quá hiếu động
Hai ngày nghỉ cuối tuần ở nhà, rất nhiều bậc phụ huynh than phiền không thể quản nổi con cái vì nhiều cháu tuổi mẫu giáo quá hiếu động, thích quậy phá, lôi kéo đồ đạc, bày bừa khắp nhà... Thậm chí có những phụ huynh phải chở con đi tìm cô giáo vì mẹ đã kiên nhẫn ngồi dỗ hàng tiếng đồng hồ nhưng cháu chỉ lo mải chơi, không chịu ăn uống gì cả... Vậy cần làm như thế nào với những trẻ quá hiếu động đây?
Hãy khen ngợi kho trẻ làm được việc tốt, khen ngợi cả khi trẻ làm được những việc rất nhỏ. Bạn hãy nhớ rằng các cô bé, cậu bé này thường không để ý đến những lời nhắc nhở, dặn dò, la mắng của người lớn nhưng lại rất nhạy cảm với những lời khen cho dù rất nhỏ.
Đặt ra cho con “giới hạn hành vi”. Cái gi “được”, cái gì “không được”, cha mẹ “đồng ý” hay “không đồng ý”. Hãy loại trừ những từ “không”, “không được”, “không nên”. Có thể có những khiếm khuyết nhất định nhưng con bạn vẫn phải tuân theo những yêu cầu như những trẻ khác.
Không nên áp đặt cho con những luật lệ quá nghiêm khắc. Hình phạt của bạn phải là hình phạt chứ không phải là mệnh lệnh. Hãy yêu cầu thực hiện mọi quy tắc liên quan đến sự an toàn và sức khoẻ của trẻ, không nên bắt bẻ, hoạch hoẹ.
Những hành động trêu ngươi, chọc tức của trẻ, đó là cách trẻ làm cho người lớn chú ý đến mình. Nên dành nhiều thời gian chơi với con hơn. Hãy dạy trẻ cách giao tiếp với người khác, nên cư xử như thế nào ở chỗ công cộng, chỗ đông người và những kỹ năng xã hội khác.
Thực hiện nghiêm túc thời gian biểu hàng ngày: ăn uống, chơi, dạo chơi, đi ngủ phải thực hiện theo một thời gian nhất định. Khen ngợi khi con thực hiện đúng.
Nếu như con bạn gặp khó khăn trong học tập, không nên yêu cầu con phải đạt điểm cao trong tất cả các môn học. Có thể đạt điểm tốt ở 2-3 môn cơ bản là đủ.
Nên tránh những chỗ đông người (chợ, siêu thị...) hay kích thích trẻ những cảm xúc, hành động mạnh.
Dạy con tính tự kiềm chế, tự điều chỉnh hành vi của mình. Hãy nhớ rằng, sự bình tĩnh của bạn chính là ví dụ tốt nhất cho con cái.
Tạo điều kiện cho con trẻ giải toả bớt những năng lượng dư thừa. Hằng ngày nên tập thể dục ngoài trời có không khí trong lành: dạo chơi, chạy nhảy, tập thể dục, cùng chơi thể thao nhưng đừng làm trẻ quá mệt.
Dạy con hứng thú với công việc nào đó. Trẻ rất cần có cảm tưởng mình có khả năng, thành thạo trong một công việc. Nhiệm vụ của cha mẹ là tìm cho con một công việc nào đó phù hợp để giúp trẻ tin tưởng vào khả năng của mình. Tuy nhiên không nên bắt ép con tham gia học ở nhiều trung tâm khác nhau, đặc biệt là học những môn học hoặc những việc đòi hỏi phải có sự tập trung chú ý và ghi nhớ.
Trước 6 tuổi, con bạn có những biểu hiện hành vi sau đây hay không, có kéo dài trong khoảng thời gian 6 tháng không? Nếu thấy có, bạn hãy tính 1 điểm, nếu không: 0 điểm. Kết quả có khoảng từ 8 điểm trở lên, con bạn cần phải có sự quan tâm đặc biệt đấy.
- Tay chân luôn luôn bận rộn, không yên khi ngồi trên ghế.
- Rất dễ bị những tác động của môi trường xung quanh lôi kéo.
- Rất khó khăn khi phải chờ đợi đến lượt chơi của mình.
- Không suy nghĩ khi trả lời hoặc khi chưa hỏi xong đã vội vàng trả lời.
- Rất khó khăn khi phải thực hiện mệnh lệnh, yêu cầu của người khác.
- Rất khó tập trung chú ý khi chơi hoặc khi giải bài tập.
- Thường hay bỏ dở công việc và chuyển sang việc khác
- Trong thời gian chơi tỏ ra không yên tâm, thường bị các bạn khác chế giễu.
- Thích nói chuyện một cách quá đáng.
- Khi nói chuyện thường ngắt lời người khác để nói ý kiến của mình.
- Thường có cảm giác như không nghe thấy những gì người khác nói với mình.
- Thường để mất các loại đồ dùng, vật dụng, dụng cụ học tập, sinh hoạt cần thiết.
- Không thèm đếm xỉa gì đến những nguy hiểm xung quanh và những hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra (thích chạy, nhảy trên đường, hay leo trèo...).
8. Đi họp phụ huynh cho con
Nhiều bậc cha mẹ thường không quan tâm lắm đến các buổi họp phụ huynh mặc dù nó rất quan trọng cho cả bạn và con của bạn. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị tốt cho các buổi họp cũng như nên tham dự đầy đủ các cuộc họp của lớp hay của trường mà con bạn đang theo học. Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bạn.
- Chuẩn bị cho buổi họp: Trước khi dự họp, bạn nên hỏi xem trẻ thích gì nhất ở trường? Trẻ có gặp khó khăn với môn học nào không? Trẻ có muốn thay đổi gì ở trường không? Cả bố và mẹ nên thu xếp thời gian để đến dự họp. Cha mẹ sẽ cùng tìm hiểu sự việc và cùng trao đổi với nhau về việc học của con khi về nhà. Bạn nên viết ra những gì bạn cần hỏi để tránh lẫn lộn hoặc bỏ sót (con bạn có năng khiếu đặc biệt gì không, ưu và khuyết điểm của trẻ, cách tính điểm ở lớp...). Nhớ mang theo giấy viết để ghi lại ngắn gọn một số điểm quan trọng mà bạn cần lưu tâm.
- Khi dự họp: Tập trung vào việc học của trẻ: Một buổi họp thường chỉ kéo dài trong khoảng 30-60 phút, bạn nên mạnh dạn nêu ra các câu hỏi và các vấn đề cần trao đổi để tìm hiểu những thông tin phản hồi về việc học của trẻ. Bạn hãy chủ động đối thoại với giáo viên. Gây dựng quan hệ tốt với giáo viên: Buổi họp phụ huynh đầu tiên là cơ hội làm quen với các giáo viên. Quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên tốt thì việc theo dõi quá trình học tập, phát triển của con bạn ở trường sẽ thuận lợi hơn. Bạn cũng nên tìm hiểu thêm thông tin về giáo viên, về phương pháp giảng dạy của họ... Hãy tránh thái độ phòng vệ: Trong buổi họp, giáo viên sẽ chỉ ra khả năng mà con trẻ có thể phát triển, đề nghị bạn cho trẻ tham gia vào các lớp học chuyên - năng khiếu, hoặc cũng có thể yêu cầu bạn lưu tâm, hạn chế trẻ ở một vài mặt nào đó. Hãy tránh việc tranh luận với giáo viên hoặc bác bỏ nhận định của giáo viên về con bạn. Bạn nên nhớ mục đích của buổi họp là để đánh giá năng lực học tập của trẻ và tìm ra những giải pháp giúp con bạn học tốt hơn. Giúp con bạn hoà nhập vào tập thể: Bạn nên tìm hiểu xem trẻ có hoà hợp tốt với bạn bè hay không? Trẻ có thường tránh mặt bạn không? Nếu có thì tránh những đứa bạn nào? Trẻ có thói bắt nạt, hay trẻ có thường bị bắt nạt không? Vì khả năng hoà hợp sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của trẻ. Cung cấp các thông tin hữu ích cho giáo viên: Bạn nên cho giáo viên biết những thay đổi của gia đình (bố mẹ ly dị, trẻ mới có em hay người thân trong gia đình vừa mới mất...). Hãy nhớ là bạn chỉ nên kể những vấn đề quan trọng và theo bạn điều đó có ảnh hưởng đến trẻ. Xây dựng kế hoạch hành động: Trước khi ra về, bạn nên hỏi cách thuận tiện nhất để bạn liên lạc với thầy cô của trẻ (bằng điện thoại hoặc thư điện tử). Có thể sau này bạn sẽ cần trao đổi gấp với giáo viên về vấn đề nào đó.
- Bạn nên kể cho trẻ nghe về nội dung buổi họp: Trẻ thường muốn biết ba mẹ và thầy cô đã trao đổi những gì về mình. Bạn nên ưu tiên cho trẻ biết những nhận xét tốt của bạn và giáo viên về thành tích của trẻ. Sau đó mới đến những vấn đề khác cùng với cách giải quyết, chẳng hạn như việc trẻ lo sợ bị bắt nạt, việc trẻ không thích một giáo viên hoặc một môn học nào đó...
9. Hiến kế
Tôi không chỉ có "tố khổ". Nay xin đề xuất một vài biện pháp giải khổ. Làm sao ở các nhà trẻ, các em, ngoài các cô, quá bận rộn không đủ thì giờ, có ai chăm sóc thêm, bế bồng, trò chuyện, hú hí với các em. Tôi không xin nhà nước tăng biên chế các nhà trẻ, mà đề nghị: mỗi nhà trẻ kết nghĩa với một trường phổ thông, và mỗi ngày nhà trường cử hai ba học sinh từ 12-16 tuổi đến giúp các cô giữ trẻ. Các học sinh cả trai lẫn gái, vừa chăm sóc các em nhỏ, vừa học về cách nuôi nấng, chăm sóc em bé. Tại sao cho học sinh học địa lý Châu Mỹ, Châu Phi mà không cho học về sinh lý, tâm lý các trẻ nhỏ? Đợi đến lúc 25-30 tuổi, khi sắp làm bố mẹ mới học những điều ấy thì quá chậm, lúc ấy đầu óc đã đầy thành kiến vì đã nghe người này người nọ mách bảo, kể chuyện về việc sinh con, nuôi con. Mà đây cũng là giáo dục giới tính: làm cho các em suy nghĩ về con cái, em út, biết yêu trẻ nhỏ, có ý thức trách nhiệm với các em bé, chuẩn bị để nay mai làm bố mẹ.
Cái khổ của con em không được chơi, tôi cũng đã đưa giải pháp khi nói đến chuyện đá cầu, chuyện thầy cô nên cùng chơi với học sinh, chuyện tạo điều kiện cho các em gái được chơi. Chỉ cần trích một phần tư, phần năm số tiền đầu tư vào đá bóng, thu thuế thêm ở những sân quần vợt, sân golf dành cho các vị triệu phú, là cũng đủ tiền giúp cho không biết bao nhiêu trẻ em chơi.
Còn làm sao cho lớp học hứng thú, hấp dẫn hơn đường phố, cảnh chợ? Đường phố, cửa hàng hấp dẫn vì các đồ vật, nhà trường cần có những sách giáo khoa in đẹp, có những dụng cụ phong phú, nhưng nếu chỉ lấy đồ vật của nhà trường đối chọi với hàng hoá đường phố thì nhà trường nhất định không thể nào theo kịp.
Hấp dẫn hơn đồ vật là tình người. Khổ là trường lớp hiện nay rất "vô cảm". Nào là truyền thống, chỉ thị cấp trên, phương thức giáo dục làm cho thầy cô đứng trước học sinh chỉ quan tâm đến số điểm văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử... gặp một hành vi hơi bất thường là lên án, trừng phạt. Tôi chỉ mong là mỗi giáo viên thấy một học sinh lơ đãng, không nghe giảng, quấy phá, ngang bướng, biết tự kiềm chế lòng tự ái, bực bội, mà tự hỏi: Tại sao như vậy. Sau đó thân tình hỏi em học sinh ấy: hôm nay em có gì không vui, em buồn bực về cái gì? Tôi mong rằng các nhà trường sư phạm không chỉ dạy cho các giáo sinh những khái niệm, quan điểm tâm lý trừu tượng, nào là tri giác, trí nhớ, nhận thức mà học tâm lý chủ yếu là tìm hiểu tâm tư, trăn trở, thắc mắc, khổ tâm của trẻ nhỏ, để thông cảm với học sinh, để hiểu rằng không phải các em bản chất là "lười", là "bướng", là"đầu têu" mà chính vì trong cuộc sống các em vấp váp về tình cảm, bị chấn thương tâm lý các em mới sinh ra như vậy. Không phải gia đình nào cũng là tổ ấm, đừng làm cho những em đã "thất tình" ở gia đình, đến lớp lại "thất tình" thêm.
Tạo nên thân tình giữa giáo viên và học sinh, làm cho tình nghĩa thầy trò sâu đậm, thì học sinh sẽ gắn bó với trường, với lớp. Không nên quên tình nghĩa bè bạn: quan hệ bè bạn là một yếu tố cơ bản trong sự hình thành nhân cách, tạo niềm vui lớn cho trẻ, và "học thầy không tày học bạn". Nhưng nhà trường lại ngăn cấm học sinh trao đổi, bàn bạc, chơi đùa với nhau, suốt buổi ngồi cạnh nhau, mà chỉ nói với nhau nửa câu đã bị khiển trách. Nhà trường không dạy cho học sinh hợp tác với bạn, chỉ thúc đẩy ganh đua, ai hơn ai, ăn thua với nhau. Chỉ có ra đường mới hợp bè hợp bạn được, làm sao lớp học được hấp dẫn hơn đường phố? Tôi không nói nhiều. Các bậc cha mẹ, các thầy cô hàng ngày tiếp xúc với trẻ, nếu chú ý, dễ dàng nhận thấy nỗi khổ hàng ngày của con em, và đã nhận ra tất cũng có thái độ và cách ứng xử thích đáng.
10. Tác dụng của sự khen thưởng tích cực
Trong cuộc sống thường nhật, không ít khi phụ huynh dửng dưng khi trẻ làm việc tốt. Cha mẹ không biết rằng nếu không khen thưởng việc làm tích cực của con, chẳng khác nào khuyến khích chúng không làm nữa.
Dạy gấu biết chơi bóng rổ
Trước đây, tại Los Angeles, khi công viên Làng Nai Nhật (Japanese Deer Village) khai trương, bác sĩ Leon Smith, nhà tâm lý học luyện thú đã dạy cho mấy con gấu nhập từ Nhật chơi bóng rổ. Khi mới đến, mấy con gấu còn trong tình trạng hoang dã, tất nhiên là không biết chơi bóng rổ. Nhưng bác sĩ Smith đã tập cho chúng biết chơi bóng rổ.
Việc huấn luyện xem chừng rất đơn giản. Ông để con gấu ở một góc sân và quả bóng ở góc đối lập. Nếu con gấu chỉ xoay quanh một chỗ thì không có việc gì xảy ra. Nhưng khi con gấu tiến về phía quả bóng, dù một chỉ chút xíu thôi, ông sẽ thưởng cho nó một miếng thịt. Bác sĩ Smith tuân thủ chặt chẽ quy định này, tập cho gấu tiến dần từng bước đến gần quả bóng. Mỗi lần tiến thêm một chút thì ông lại thưởng cho chúng. Sau đó, ông lại thưởng khi gấu nhặt bóng, khi gấu đến gần rổ và ném bóng. Tất nhiên là không phải ngày một ngày hai mà gấu làm được tất cả mà phải làm kiên trì trong một thời gian dài. Đặc biệt trong thời gian đó, ông không bao giờ dùng đến vũ lực với chúng.
Khen thưởng từng bước
Nhà giáo dục nổi tiếng, tiến sĩ tâm lý học Fitzhugh Dodson, chứng kiến quá trình này, nói: Quá trình luyện gấu đơn giản này có thể làm cho những người làm cha mẹ và những nhà giáo dục suy nghĩ sâu sắc. Chúng ta thấy bác sĩ Leon Smith chỉ áp dụng một nguyên tắc duy nhất: tích cực khen thưởng một khi con gấu làm tốt. Chúng ta thử phân tích việc làm của bác sĩ Smith:
- Thứ nhất, ông định rõ mục tiêu mong muốn: đến nhặt bóng và ném bóng vào rổ, không làm cái gì khác.
- Thứ hai, ông cho gấu một phần thưởng (một miếng thịt) mỗi khi nó làm đúng yêu cầu. Không bao giờ thưởng không.
- Thứ ba, phần thưởng không cùng một lúc khi hoàn thành nhiệm vụ (ném bóng vào rổ) mà từng bước. Chính quá trình từng bước này đã cho phép bác sĩ dẫn dắt con gấu từ chỗ đến nhặt bóng đến khi ném bóng vào rổ.
Nguyên tắc khen thưởng tích cực là nhằm đáp lại một việc làm tích cực, không bao giờ áp dụng cho một việc làm tiêu cực. Một việc làm tích cực mà được khen thưởng thì có nhiều khả năng việc đó sẽ được tiếp tục. Tiến sĩ Fitzhugh Dodson cho rằng nguyên tắc đó rất phù hợp trong việc dạy trẻ.
Không nên chỉ biết trừng phạt
Chúng ta hãy xem, khi các cháu vui chơi với bạn, cho bạn mượn đồ chơi, không la hét ồn ào, nghe lời cha mẹ thì cha mẹ làm gì? Cha mẹ sẽ khen thưởng hành động tích cực của chúng chăng? Không, thông thường cha mẹ không để ý, họ cho việc đó là bình thường. Cha mẹ không biết rằng nếu không khen thưởng việc làm tích cực của con cái, chẳng khác nào khuyến khích chúng không làm nữa. Ngược lại, khi con cháu làm việc gì không tốt, chẳng hạn như đánh bạn, làm đổ canh, chọc em gái, ăn cắp tiền, ngỗ ngược và không nghe lời, nói cách khác khi các cháu làm trái với mong muốn của cha mẹ, thì kết quả sẽ ra sao? Cha mẹ sẽ nổi giận và tìm cách trừng phạt. Nghĩa là khi ngoan thì không để ý, nhưng khi hư thì trừng phạt. Làm như vậy các cháu ngày càng tiêu cực. Nhiều cha mẹ đã vô tình làm trái ý với điều mình mong muốn.
Việc khen thưởng tích cực cần phải được áp dụng đối với trẻ từ khi mới biết đi cho đến tuổi thiếu niên, áp dụng càng sớm càng tốt. Cha mẹ phải quan tâm thường xuyên đến con cái, mỗi khi trẻ có hành động tốt, phải khen thưởng kịp thời để khuyến khích cháu. Việc khen thưởng không nhất thiết bằng vật chất. Đối với các cháu, không có phần thưởng quý nào bằng sự thương yêu âu yếm của cha mẹ, tình thương đó thể hiện trong sự quan tâm hàng ngày đối với việc làm, việc học của con. Nhiều khi một lời khen đúng lúc, kịp thời của cha mẹ đủ làm cho cháu vui lòng, hơn là một phần thưởng vật chất. Nhưng cha mẹ không nên lạm dụng lời khen để làm con vui lòng, lâu ngày sẽ phản tác dụng. Nếu mỗi ngày, cháu làm thêm một việc tốt, và được khuyến khích kịp thời và thích đáng, thì việc làm không tốt ngày càng bớt đi, và con cái chúng ta sẽ tốt hơn.
11. Lần đầu đưa con đi mẫu giáo
Dù con bạn trước nay vẫn ở nhà với mẹ hay là gửi nhà trẻ, việc cháu lần đầu tiên đi mẫu giáo cũng là một thử thách lớn đối với cháu cũng như đối với mẹ. Cần làm cho cháu càng an tâm càng tốt. Nếu được chuẩn bị tinh thần đầy đủ, ngày đến trường cháu sẽ ít lo lắng và không cảm thấy bị lạc vào một môi trường xa lạ.
Dù bạn chuẩn bị đầy đủ cho cháu thế nào thì ngày đầu tiên đến trường cháu cũng bám lấy mẹ đòi về. Khi để cháu ở lại trong lớp, những giọt nước mắt lăn dài trên má cháu sẽ làm cho bất cứ bà mẹ nào cũng khổ tâm và cảm thấy như mình có lỗi với cháu. Cũng như tất cả các bà mẹ khác, lúc đó bạn sẽ chạy nhanh về nhà, không dám nhìn lại nữa.
Cũng may là thời kỳ này không kéo dài, một hai tuần là cùng, nếu bạn chịu làm theo lời khuyên sau đây của tiến sĩ tâm lý học Anne Bacus:
- Buổi sáng hôm đó bạn nên chuẩn bị cho cháu dậy sớm để cháu khỏi bị đột ngột. Bạn đừng nóng ruột và không nên hối thúc cháu.
- Để cho cháu ăn sáng một cách bình tĩnh; dọn cho cháu những món ăn cháu ưa thích.
- Mặc cho cháu quần áo, giày đơn giản, phòng khi phải thay đổi.
- Để vào quần cháu một khăn mù soa, nhớ cho vào đấy một ít nước hoa, loại nước hoa bạn hay dùng, để cháu cảm thấy cái mùi quen thuộc của mẹ. Trong túi kia, bạn có thể để một viên kẹo, cho cháu ăn giờ ra chơi.
- Trong cái cặp mang tên cháu, bạn nên để sẵn một bộ quần áo để thay (đề phòng”sự cố” có thể xảy ra) và để thêm vào đấy một con thú nhồi bông mà cháu có thể yên lòng ôm ngủ vào buổi trưa. Hai cái này đều phải đề tên cháu, cũng như mọi vật mà cháu mang theo đến trường.
- Bình tĩnh giải thích cho cháu một cách rõ ràng là cháu sẽ đến đây mỗi ngày như mẹ phải đi làm mỗi ngày, và mỗi buổi chiều bạn sẽ đến đón cháu về nhà (trong mấy ngày đầu bạn có thể đón cháu sớm hơn một chút cho cháu quen dần).
- Chính bạn phải tỏ ra bình tĩnh, bởi nếu bạn tỏ ra lo lắng thì cháu sẽ thấy ngay và sẽ sợ. - Hãy tỏ ra khoan dung và thông cảm: trong mấy ngày đầu có thể cháu sẽ kén ăn và khó ngủ, hay cau có và cũng có thể đái dầm. Nhưng tất cả sẽ trở lại bìnhthường sau một thời gian ngắn.
- Sau khi trao cháu cho cô, bạn hãy tạm biệt cháu. Điều đó có nghĩa là bạn không vội vàng đưa cháu đến trường rồi chạy về ngay, không nên thừa lúc cháu nhìn đi nơi khác mà bỏ đi, cũng không nên từ biệt theo kiểu đi rồi trở lại nhiều lần. Tóm lại, bạn hãy tạm biệt một cách bình thường. Bạn có thể dịu dàng hôn cháu, nói một vài câu với cô giáo, vẫy tay cho cháu rồi ra về.
Để cho cháu vừa học vừa chơi một cách tốt đẹp ở trường mẫu giáo bạn nên chú ý 3 điều sau đây:
1. Cho cháu ngủ đầy đủ.
2. Cho cháu ăn sáng đầy đủ trước khi đến trường (nếu cháu muốn có thể cho bú bình).
3. Bạn phải thường quan hệ với cô giáo, ít nhất là mỗi tuần một lần. Cô cho bạn biết cháu làm gì trong lớp và bạn cho cô biết những gì có thể ảnh hưởng đến việc học của cháu (sức khoẻ của cháu, những buổi đi chơi đặc biệt trong gia đình...). Cháu rất nhạy cảm trước lòng tin cậy và quan hệ mât thiết giữa bạn và cô giáo.
12. Trẻ con muốn gì ở ba mẹ?
Chúng ta thường chỉ tập trung đến những hành vi của con cái mà ít khi để ý đến cách cư xử của chính mình. Tại sao bạn lại không thử nhìn hành vi của trẻ theo quan điểm của chúng? Hãy kiểm tra những điều trẻ mong muốn nhất ở ba mẹ chúng và so sách với bản thân mình.
1. Trẻ con muốn ba mẹ không cãi nhau trước mặt chúng. Trẻ con có khuynh hướng bắt chước những gì ba mẹ làm, bất kể họ nói gì. Bạn có thể bất đông ý kiến và chia sẻ những cảm xúc trái ngược của mình mà không cần tấn công người khác hay khư khư biện hộ cho mình không? Khi đó, con bạn cũng sẽ học được cách xử lý cơn giận dữ và giải quyết xung đột theo những cách tích cực.
2. Trẻ con muốn ba mẹ đối xử với mọi thành viên trong gia đình như nhau. Đối xử với các con như nhau không có nghĩa là đối xử ngang bằng với tất cả. mỗi đứa trẻ đều khác nhau nhưng mỗi đứa trẻ đều cần tình thương và sự thông hiểu. Hãy xem xét mối quan hệ của bạn với từng đứa con.
3. Trẻ con muốn ba mẹ trung thực. Một ông bố bảo con: "Ra nói là ba không có nhà" có thể không nhận ra là anh ta đang làm gương cho con mình. Bạn có nói những gì bạn muốn nói và định nói những gì bạn đã nói?
4. Trẻ con muốn ba mẹ khoan dung với người khác. Khi ba mẹ khoan dung với mọi người, trẻ con học được cách kiên nhẫn với những người khác chúng. Bạn đã làm gương cho trẻ về lòng khoan dung như thế nào?
5. Trẻ con muốn ba mẹ tiếp đãi bạn bè chúng ân cần. Nêu bọn trẻ tụ tập ở nhà bạn, bạn sẽ biết con mình đang ở đâu! Hãy tạo một bầu không khí cởi mở cho bạn bè của con và thấu hiểu chúng.
6. Trẻ con muốn ba mẹ biết xây dựng tinh thần đồng đội ở trẻ. Khi trẻ bước sang tuổi thanh niên, những bậc cha mẹ nào biết xây dựng một tinh thần đồng đội ở trẻ sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với chúng. Bạn có biết cách nuôi dưỡng tinh thần đồng đội trong gia đình mình?
7. Trẻ con muốn ba mẹ trả lời những câu hỏi của chúng. Bạn có cảm thấy áy náy khi nói, "Mẹ đang bận lắm. Lúc khác nói chuyện này." Rồi cái lúc khác đó không bao giờ đến. Hãy dành thời gian ngay ngày hôm nay để trả lời những câu hỏi của trẻ và khi bạn không biết làm sao để trả lời thì hãy thừa nhận điều đó và tìm cách để trả lời sau.
8. Trẻ con muốn ba mẹ phạt chúng khi cần, nhưng không phải là trước mặt người khác, đặc biệt là bạn bè của chúng. Điều đáng ngạc nhiên là trẻ con thật sự muốn có những giới hạn, nhưng đừng tưởng chúng tình nguyện làm điều đó.
9. Trẻ con muốn ba mẹ tập trung vào những điểm tốt thay vì những điểm yếu của chúng. Hãy xem trẻ như một tấm tranh ghép chưa hoàn tất và tập trung vào một bức tranh sẽ hoàn thiện thật đẹp thay vì chỉ là những mẫu ghép bị thất lạc. Liệt kê những điểm mạnh của con bạn và chọn những thời điểm thích hợp để khuyến khích chúng.
10. Trẻ con muốn ba mẹ kiên định. Chúng ta không phải lúc nào cũng trước sau như một nhưng hãy cố gắng làm điều đó. Những lúc bạn hành động không nhất quán cũng không đến nỗi làm hư hỏng con mình. Nhưng trẻ cần phải biết rằng tình thương và những giới hạn mà ba mẹ đặt ra cho chúng là không thay đổi.
13. Tại sao trẻ em khó cho mượn đồ chơi?
Lúc 1 tuổi, trẻ đã biết mang thú nhồi bông đến cho bạn cùng chơi. Vậy mà giờ đây trẻ đứng án ngữ trước thùng đồ chơi của mình như sợ ai đó lấy đi. Làm thế nào để trẻ chấp nhận cho bạn mượn đồ chơi của mình?
Dưới 18 tháng tuổi: chưa có khái niệm sở hữu
Cho đến 18 tháng tuổi, trẻ cho mượn đồ chơi một cách vô tư. Theo giải thích của nhà tâm lý học Nicole Fabre, ở độ tuổi này khái niệm sở hữu là hoàn toàn xa lạ. Món đồ chơi “của trẻ” là vật mà trẻ muốn ngay lúc đó. Việc nhìn thấy người khác mân mê món đồ chơi làm trẻ bắt đầu tò mò. Chính từ chỗ này đã bắt đầu những xung đột đầu tiên: cả hai đều muốn món đồ chơi cùng một lúc và chẳng ai chịu nhường ai. Vấn đề là không ai muốn chờ thêm một phút để có món đồ chơi mình ưa thích trong tay. Cái ước muốn đó tức thời và hoàn toàn không có chút màu sắc của sự sở hữu.
2-3 tuổi: cha mẹ can thiệp thế nào?
Theo nguyên tắc, khái niệm sở hữu xuất hiện vào khoảng 2 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ biết phân biệt đâu là món đồ không phải của mình. Bản năng sở hữu sẽ phát triển trong năm lên 3. Trong thời kỳ này, cho mượn thật sự là chuyện “đau xé lòng”. Những vật dụng cá nhân thuộc về thế giới của trẻ, khi lấy nó đi, tức là bạn đã cắt đứt một phần của trẻ. Lúc xảy ra xung đột giữa trẻ đang đòi và đứa kia không muốn cho mượn, sự can thiệp của người lớn là rất có ích nhằm thiết lập hợp đồng, tức ấn định thời hạn mượn, và sự trao đổi (con cho bạn mượn xe, bạn sẽ cho con mượn trái banh). Như vậy, từng đứa trẻ sẽ tự đặt mình vào vị trí của bạn và sự thông cảm sẽ dễ dàng hơn. Cũng có trường hợp đứa trẻ kiên quyết từ chối cho mượn một vật nào đó vì lý do hoàn toàn có thể hiểu được. Chiếc áo len mà mẹ đã đan “chỉ dành cho mình”, con thú nhồi bông mà ông đã tặng... là những vật vô cùng quý giá. Tự thân nó đã thể hiện sức mạnh tình yêu của người lớn dành cho trẻ. Vì vậy, đâu thể nào chấp nhận cho kẻ khác giành lấy, dù chỉ là trong chốc lát.
4-5 tuổi: sự quan trọng trong lời hứa
Lúc lên 4, trẻ sẽ không cần có tất cả các món đồ trong tầm tay của mình. Ngoài ra, trẻ dần quen với sinh hoạt xã hội, thích chơi với bạn thay vì ngồi một mình với đồ chơi. “Tôi cho bạn mượn, bạn cho tôi mượn”, hình thức trao đổi thật sự hình thành. Nhưng ở tuổi lên 4-5, mà trẻ không muốn cho mượn rõ ràng có vấn đề nào đó. Có thể bạn đã buộc trẻ cho mượn khi còn quá nhỏ, rồi dần dần trở nên dị ứng với chuyện cho mượn. Dù thái độ này chỉ là tạm thời nhưng bạn phải thực sự cảnh giác. Trẻ lên 5 tuổi mà cứ khăng khăng từ chối cho mượn là thể hiện một nỗi lo, có thể là không tin vào người khác. Trường hợp này xảy ra khi các bậc phụ huynh không giữ lời hứa. Chẳng hạn như bạn nói với con: “Được rồi, ba mẹ sẽ mua cho con món đồ này lúc đi dạo về”, nhưng rồi lại không thực hiện lời hứa. Như vậy, trẻ mất tin tưởng vào lời hứa của người khác thì sẽ không tin ai cả. Sau này lớn lên, trẻ có nguy cơ trở thành người hay nghi ngờ.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét